Từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 8 năm 2009, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 22 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân; đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.
1. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII:
1.1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau của 4 dự án luật: Luật viễn thông; Luật tấn số vô tuyến điện; Luật cơ yếu và Luật khám bệnh, chữa bệnh. Đây là những dự án Luật đã được đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII và sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu sắp tới. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã giao các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh các dự thảo luật để gửi đến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, tham gia ý kiến.
1.2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về 3 dự án luật: Luật trọng tài thương mại; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục; Luật bưu chính:
- Về dự án Luật trọng tài thương mại: Pháp lệnh trọng tài thương mại được Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI ban hành năm 2003, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp bằng cơ chế trọng tài, tạo điều kiện cho trọng tài Việt Nam tiếp cận, hòa nhập với trọng tài của các nước phát triển, đáp ứng nhu cầu lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp, của các bên tranh chấp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua hơn 6 năm thực hiện, một số quy định của Pháp lệnh đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với tình hình mới, chưa phát huy được hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp thương mại ở nước ta. Vì vậy, việc ban hành Luật này là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý cao và đầy đủ, phù hợp hơn, góp phần giải quyết có hiệu quả những tranh chấp phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp; phù hợp và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hoạt động kinh doanh và thực tiễn giải quyết tranh chấp hiện nay.
- Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục: Luật giáo dục được Quốc hội thông qua năm 2005, đã tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Việc sửa đổi Luật lần này để phù hợp hơn với tình hình thực tế, đảm bảo hiệu lực thi hành, nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục trong điều kiện phát triển giáo dục mạnh mẽ trong thời gian tới.
- Về dự án Luật bưu chính: Pháp lệnh bưu chính viễn thông được Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI ban hành năm 2002, đã góp phần ổn định và phát triển thị trường bưu chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Trong bối cảnh nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, các quy định về bưu chính còn chưa đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về bưu chính nói riêng. Việc xây dựng Luật bưu chính là cần thiết nhằm tăng cường hiệu lực pháp lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và khả năng hội nhập quốc tế về bưu chính của nước ta.
1.3. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội và chuẩn bị báo cáo có chất lượng của Đoàn giám sát. Đồng thời, đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh Báo cáo để trình Quốc hội tiến hành giám sát tại kỳ họp thứ sáu sắp tới.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động chất vấn giữa hai kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông.
Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về: quản lý hành lang bảo vệ quốc lộ; thi công kéo dài một số đoạn và ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1A, quy hoạch và mức thu phí của các trạm thu phí giao thông trên Quốc lộ 1A; hạn chế tai nạn giao thông; tình hình và biện pháp xử lý tình trạng tắc đường ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; việc đầu tư thiếu đồng bộ trong xây dựng cầu; đầu tư cầu, đường ở miền núi; đảm bảo an toàn trong xây dựng công trình giao thông.
Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về: quản lý nhà nước đối với tình trạng để phát tán thông tin không đúng (không chính xác) trên mạng Internet; việc quản lý cấp phép tần số và nội dung các kênh truyền hình cáp VCTV7 và VTVC9; việc các kênh truyền hình sử dụng tần số vô tuyến điện quốc gia chủ yếu để chiếu phim; quản lý nhà nước đối với các trò chơi game trực tuyến có yếu tố không lành mạnh ảnh hưởng tới trẻ em; quản lý nhà nước về thuê bao di dộng; nguồn thu ngân sách từ vô tuyến điện.
Phiên chất vấn đã được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra và được đông đảo đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các vị Bộ trưởng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý và điều hành; giải quyết có hiệu quả các vấn đề nêu ra nhằm tạo chuyển biến tích cực trong quản lý điều hành thời gian tới.
3. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả chuyến công tác của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu tham dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 30 được tổ chức tại Thái Lan. Ủy ban thường vụ Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao kết quả hoạt động của Đoàn và giao các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt để tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA lần thứ 31 được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2010.
4. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung mục III, Bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30-9-2004 về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát; về một số nội dung có liên quan đến kết quả giám sát việc giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa nguyên đơn là Công ty Tiên Sơn (tỉnh Thanh Hóa) với bị đơn là Công ty TNHH Châu Tuấn (tỉnh Hà Tĩnh).