ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết - Bà Rịa - Vũng Tàu: Đề nghị tăng số lượng đại biểu chuyên trách

16/06/2014

Thứ nhất, về số lượng đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 41 là tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người, tôi thấy quy định như vậy là hợp lý. Nếu quy định cứng là 500 thì khi tiến hành bầu cử, nếu thiếu thì chúng ta lại phải bầu bổ sung rất phức tạp.

Riêng về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dự thảo quy định ít nhất là 35%, tôi thấy quy định như vậy là ít. Tôi đề nghị nâng lên ít nhất là 45% cho Quốc hội có điều kiện hoạt động tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Về đoàn đại biểu Quốc hội, theo tôi cần xác định vị trí pháp lý của đoàn đại biểu Quốc hội vì nhiệm vụ, quyền hạn độc lập để có thể chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật, giám sát và tiếp nhận xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri ở địa phương. Cần xác định đây là cơ quan của Quốc hội, là tổ chức của Quốc hội, vì trong thực tế thời gian qua đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động rất hiệu quả. Chúng ta nên xác định địa vị pháp lý của đoàn đại biểu Quốc hội.

Về cơ cấu thành viên của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, theo tôi cần tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Qua hoạt động thực tế trong thời gian qua, nếu các Ủy ban có nhiều đại biểu kiêm nhiệm tham gia thì khi họp toàn thể Ủy ban hết sức khó khăn, phải đôn đốc, thậm chí đôn đốc như thế nhưng thành viên tham gia không thể đầy đủ được. Theo tôi, nên quy định số luợng thành viên không cần quá đông, chỉ cần 20 - 30 thành viên, chủ yếu là các đại biểu hoạt động chuyên trách tham gia các Ủy ban này. Các đại biểu khác có thể tham gia hoạt động khi mà quan tâm, như vậy có thể tham gia các hoạt động của các Ủy ban.

Về số luợng của các Ủy ban của Quốc hội, theo tôi không nên quy định cứng số luợng và tên các Ủy ban của Quốc hội trong Luật tổ chức Quốc hội mà nên giao cho từng nhiệm kì quy định để bảo đảm linh hoạt và phù hợp yêu cầu từng thời kì phát triển. Nếu chúng ta quy định cứng thì khi muốn tách hoặc muốn nhập các Ủy ban thì rất khó, cho nên nên để từng nhiệm kì của Quốc hội quy định. Nếu như truờng hợp Quốc hội vẫn quy định cứng Ủy ban như trong dự thảo luật thì tôi đề nghị sửa tên của Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thành Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên và trẻ em. Tên gọi này gọn hơn và vẫn bao quát được lĩnh vực và đối tuợng phụ trách của Ủy ban. Trong thực tế, thời gian vừa qua đi giám sát ở địa phương thì rất ít khi các đồng chí nói đúng tên của Ủy ban, vì dài quá, nên có khi chỉ nói là Ủy ban Văn hóa, giáo dục, khi thì nói là Ủy ban thanh niên thiếu niên. Ủy ban này nếu thay đổi lại thì nên thay đổi như tôi đề xuất để gọn lại một chút.

Về quy định tài liệu phục vụ kì họp tại Điều 37, Khỏan 2 quy định tại các dự án Luật, dự thảo nghị quyết, dự án khác phải được gửi đến đại biểu Quốc hội 20 ngày, trước ngày khai mạc kì họp và các tài liệu khác phải gửi đến đại biểu Quốc hội, chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc kì họp. Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, chúng ta không thực hiện được. Tôi đề nghị xem xét lại nguyên nhân có phải quy định 20 ngày là quá dài hay không. Theo tôi quy định thế nào để đảm bảo tính khả thi. Nếu như chúng ta cứ quy định ra và lại vẫn không thực hiện được thì sự nghiêm túc của những quy định đó và các giá trị không được nhiều. Nên chúng ta phải cân nhắc vấn đề này để đảm bảo tính khả thi của nó.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, tôi đề nghị bổ sung quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước báo cáo giải trình vấn đề trước Ủy ban, vì vấn đề này đã được quy định trong Điều 77 của Hiến pháp. Thực tế trong thời gian vừa qua, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tổ chức nhiều cuộc giải trình có tác dụng tốt và được dư luận đánh giá rất cao. Cho nên theo tôi cần phải xác định trong Luật tổ chức Quốc hội có nhiệm vụ và được quyền tổ chức giải trình trước Ủy ban và Hội đồng Dân tộc.

Điều 104, cần kế thừa luật hiện hành để quy định về thời gian trả lời và các chế tài để đảm bảo tính khả thi. Ở đây chỉ quy định có quyền kiến nghị nhưng kiến nghị các cơ quan kia có trả lời hay không thì không nói gì, trả lời trong thời gian bao nhiêu ngày, luật hiện hành cũng đã quy định là bao nhiêu ngày anh phải trả lời, nhưng dự thảo luật này không đề cập đến vấn đề đó. Cho nên cần phải có quy định và có những chế tài cụ thể.

Vấn đề cuối cùng, về chức danh Tổng thư ký, tôi đề nghị không bổ sung chức danh này vì trong Hiến pháp không quy định. Hơn nữa mô hình hiện nay Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm Trưởng đoàn thư ký kỳ họp hoạt động rất hiệu quả, không có vướng mắc gì. Mô hình này đã tồn tại từ năm 1992, đến nay 22 năm, trong lịch sử hoạt động của Quốc hội chúng ta cũng đã từng có chức danh tổng thư ký vào tháng 7/1981 có Tổng thư ký Hội đồng nhà nước do đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước kiêm nhiệm và quá trình hoạt đồng chúng ta thấy không có hiệu quả nên chúng ta đã xác định từ năm 1992 đến nay người đứng đầu Văn phòng Quốc hội là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Vì vậy tôi đề nghị giữ mô hình như hiện nay, khẳng định rõ về Văn phòng Quốc hội và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tương tự như trong Luật tổ chức Chính phủ. Trong Luật tổ chức Chính phủ, Điều 30 quy định vấn đề này "Văn phòng Chính phủ là bộ máy giúp việc của Chính phủ và do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lãnh đạo".

 

ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết - Bà Rịa - Vũng Tàu

Các bài viết khác