Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh: Cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội chuyên trách với các đại biểu khác

16/06/2014

Trước khi phát biểu ý kiến, tôi có một kiến nghị, đây là một đạo luật rất quan trọng để tổ chức Quốc hội, kỳ họp này thảo luận đầu nhưng những vấn đề quan điểm để sửa chữa rất quan trọng, kỳ họp sau thường sửa chữa không nhiều. Do đó, trước hết tôi đề nghị kỳ họp này thảo luận Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) để tất cả các đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu hết, không căn cứ vào thời gian.

Có mấy phút mà vấn đề quá lớn, trước hết tôi đồng tình chúng ta căn cứ vào Hiến pháp vừa thông qua, không chế định cái gì trái Hiến pháp nhưng cái gì không trái Hiến pháp mà tiếp tục đổi mới được Quốc hội, thực hiện đúng vai trò như cử tri mong muốn là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thì chúng ta cố gắng đưa tối đa chứ không hạn chế. Theo tinh thần ngạn ngữ phương Tây có câu Quốc hội có quyền làm được tất cả những chuyện trừ chuyện biến đàn ông thành đàn bà.

Tôi cho rằng dự thảo này chưa đổi mới mạnh mẽ. Trước hết muốn nói vai trò trung tâm là đại biểu Quốc hội. Tôi hoan nghênh đưa vào một chương, nhưng nội dung không có gì mới. Ở đây có hai vấn đề, thiết chế chính trị của ta có đại biểu chuyên trách, có đại biểu không chuyên trách, nói nôm na Quốc hội vẫn còn cơ chế mặt trận, chưa có cơ chế khác. Như vậy, làm sao số đại biểu chuyên trách này không còn là mặt trận nữa mà là những người chuyên nghiệp. Muốn như vậy thì phải phân định rõ Hiến pháp không hạn chế gì quyền và trách nhiệm của chuyên trách, tức là chuyên nghiệp khác với đại biểu thường ở chỗ nào. Do đó, tôi đồng tình với đề nghị vừa rồi là không có một chương như đại biểu Huỳnh Nghĩa nói thì ít ra phải có một mục riêng quy định rất rõ đại biểu chuyên trách là ai, quyền hạn, trách nhiệm đến đâu và vai trò của chuyên trách, chấm dứt tình trạng hành chính hóa, đẻ ra một loạt chức vụ mà guồng máy của ta quá nhiều chức vụ rồi, đẻ ra một loạt chức vụ hành chính nữa, không thảo luận cái này mà chúng ta tăng chuyên trách lên là không có cơ sở. Với chuyên trách như hiện nay mà càng tăng với cách làm này chỉ tốn ngân sách, không có lợi cho dân, nếu không thay đổi.

Tôi đề nghị đây là vấn đề cần thảo luận rất rõ, vì cử tri kỳ vọng với tỷ lệ chuyên trách này, số này không mặt trận nữa mà là những người chuyên nghiệp, có trách nhiệm rõ ràng và không hành chính hóa theo kiểu một Ủy ban có 3 loại chuyên, trách trừ ông Chủ nhiệm chính trị, Phó Chủ nhiệm, thường trực, không thường trực là đẳng cấp khác nhau, dân bầu giống nhau nhưng đẳng cấp khác nhau. Chúng ta làm như vậy thì chúng ta không đi đúng vai trò của đại biểu Quốc hội. Đó là về ý liên quan đến chuyên trách, trước khi bàn bao nhiêu %, quan trọng nhất là vấn đề đại biểu chuyên trách nhiệm vụ, quyền hạn gì. Ví dụ, các Ủy ban Quốc hội, chủ yếu là các chuyên trách hoạt động, một đại biểu chuyên trách hay chuyên nghiệp có thể tham gia 1-2 Ủy ban, không phải 1 Ủy ban, các đại biểu kiêm nhiệm không nhất thiết phải tất cả. Chúng ta thay đổi một phần riêng như vậy để làm rõ vai trò số người chuyên nghiệp này, về đại biểu chuyên trách tôi xin ý kiến như vậy.

Vấn đề thứ hai, làm sao nâng vai trò Quốc hội lên. Tôi đề nghị có nhiều việc nhưng hai việc Hiến pháp là không có hạn chế, Quốc hội phải chủ động trong vấn đề xây dựng chương trình pháp luật, chứ không phải thụ động. Hai, Quốc hội thực sự là cơ quan quyết định ngân sách, nếu không làm hai việc này thì chúng ta có bao nhiêu thứ quyền cũng vô nghĩa. Chính vì vậy tôi đề nghị cơ cấu, tổ chức Quốc hội, các ủy ban:

Thứ nhất, Ủy ban Pháp luật là trách nhiệm làm luật, tôi đề nghị sửa lại Điều 90 là Ủy ban Pháp luật không chỉ là thẩm định luật mà tham gia ngay quá trình xây dựng chương trình pháp luật một cách chủ động để trình Quốc hội. Hiện nay chương trình xây dựng pháp luật chúng ta bị động, để Chính phủ có gì thì rút ra rút vào, không làm, chịu trách nhiệm bảo đảm sự thống nhất hệ thống pháp luật, đó là tính chủ động chứ không chỉ là thẩm tra.

Tôi đề nghị chuyển Ủy ban Ngân sách lên Điều 91, sao pháp luật là phải ngân sách, tôi đề nghị chúng ta không nên để là Ủy ban Tài chính, Ngân sách chung chung, là Ủy ban Ngân sách Quốc hội, Quốc hội đầu tư tối đa cho Ủy ban này, thậm chí Vụ Ngân sách Quốc hội biên chế gấp 3 lần hiện nay cũng được, lấy chuyên viên giỏi làm, sửa lại là Ủy ban Ngân sách tham gia quá trình lập dự toán ngân sách không phải thụ động như hiện nay. Quá trình lập dự toán là Ủy ban này tham gia và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Phần chính sách tài chính để Ủy ban Kinh tế làm vĩ mô, tập trung chỉ ngân sách, nếu Quốc hội làm được, kiểm soát được ngân sách thì tôi tin rằng Quốc hội mới thực sự thực hiện quyền của mình. Quy trình dự toán lập ngân sách mới quan trọng còn làm xong rồi, dùng rồi mà đi quyết toán là không còn quan trọng nữa. Chúng ta quay lại phần đầu, tôi đề nghị vậy, Điều 90, Ủy ban Pháp luật. Điều 91, Ủy ban Ngân sách và hai ủy ban này chủ động chứ không phải thủ động như hiện nay và đầu tư cho đến nơi đến chốn cho hai Ủy ban này về các chuyên viên v.v... đó là vấn đề thứ hai liên quan đến ủy ban.

Vấn đề thứ ba, tôi đề nghị có thể đưa vào luật hoặc trong quy chế. Tôi đồng ý vai trò Ủy ban thường vụ Quốc hội như thường trực của Quốc hội. Nhưng vai trò Ủy ban thường vụ có khác là lúc Quốc hội không họp thì vai trò khác, còn lúc Quốc hội đang họp thì vai trò chính là Quốc hội và chủ tọa kỳ họp là chính, làm sao vai trò chủ tọa và Quốc hội tại kỳ họp là quyết định chứ không phải Ủy ban thường vụ như cách làm hiện nay mới thông qua được vai trò của Quốc hội. Đó là mấy ý lớn, tôi xin kiến nghị như vậy.

 

Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh

Các bài viết khác