ĐBQH Hồ Văn Năm-Đồng Nai: Cần phân chia chính xác các giai đoạn tố tụng hình sự

17/06/2015

Cho ý kiến về dự thảo Luật tổ dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội XIII, đại biểu Hồ Văn Năm-Đồng Nai cho rằng, việc kết cấu lại các giai đoạn tố tụng sẽ giúp dự thảo Bộ luật trở nên khoa học, bắt kịp với nhiều bộ luật, các đoàn tư pháp tiến bộ trên thế giới.

                                                                                                                                                                                     Ảnh: Nam Nguyễn

Đại biểu Hồ Văn Năm nhận định, việc phân chia chính xác các giai đoạn tố tụng hình sự có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở để quy định cụ thể nội dung của hoạt động tố tụng cũng như địa vị pháp lý của các chủ thể cho từng giai đoạn tố tụng. Đồng thời, làm như vậy sẽ khắc phục được những hạn chế của Bộ luật hình sự hiện hành khi chưa có sự phân chia một cách khoa học, mạch lạc cho các giai đoạn tố tụng.

Cụ thể cả ba giai đoạn: khởi tố, điều tra, truy tố hiện được gộp chung một phần. Trong khi đó, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm lại được xây dựng thành ba phần riêng biệt. Do vậy, có thể dẫn đến việc xử lý các điều khoản không hơp lý, thiếu tính cụ thể, nhiều quy định thiếu hoặc không tương thích với từng giai đoạn tố tụng.

Do đó, đại biểu đồng tình với việc kết cấu lại các giai đoạn tố tụng theo hướng tách giai đoạn truy tố thành một phần độc lập và ghép phần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vào cùng một phần dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) lần này.

Đại biểu cho rằng, việc bố cục lại bộ luật như vậy không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn làm cho Bộ luật tố tụng hình sự của nước ta thực sự khoa học, theo kịp với nhiều bộ luật của các quốc gia khác, các đoàn tư pháp tiến bộ trên thế giới; tạo điều kiện để quy định đầy đủ, trình tự, thủ tục, thời hạn của từng giai đoạn tố tụng.

Đặc biệt, việc gộp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vào chung một phần còn có ý nghĩa quan trọng để thực hiện đầy đủ quy định của Hiến pháp về bảo đảm nguyên tắc hai cấp xét xử, tạo điều kiện để đưa các quy định có tính chất chung cho sơ thẩm, phúc thẩm vào chương những quy định chung về xét xử, tránh lặp lại về kỹ thuật, dễ tra cứu và áp dụng.

Đại biểu cũng đề nghị thêm về việc Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc việc  tách khởi tố và điều tra ra thành hai giai đoạn, hai phần riêng biệt trong Bộ luật tố tụng hình sự. Đại biểu lý giải, vì mỗi giai đoạn đều có mục tiêu và nhiệm vụ riêng. Ví dụ, giai đoạn khởi tố bắt đầu từ khi cơ quan điều tra tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm và kết thúc khi cơ quan điều tra ra một trong hai quyết định khởi tố và không khởi tố. Nếu ra quyết định khởi tố thì giai đoạn điều tra mới bắt đầu, còn nếu quyết định không khởi tố vụ án thì hoạt động tố tụng chấm dứt tại đây.

Nguyễn Phương lược ghi