ĐBQH Phạm Huy Hùng-TP Hà Nội đề nghị: Cần quy định đúng vai trò của luật sư trong tố tụng hình sự

17/06/2015

Thảo luận tại hội trường ngày 17/6 về Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), đại biểu Phạm Huy Hùng-TP Hà Nội đề nghị, cần quy định đúng vai trò của luật sư trong tố tụng hình sự.

                                                                                                                                                                                         Ảnh: Nam Nguyễn

Đại biểu Phạm Huy Hùng cho rằng, trong dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) lần này, chế định bào chữa là một chế định quan trọng nhằm thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng hình sự Việt Nam, có ý nghĩa là thành tố bảo đảm một tiến trình tố tụng minh bạch, dân chủ, tạo cơ hội cho các chủ thể xã hội có khả năng tiếp cận với sự thật khách quan và công lý.

Đặc biệt, dự thảo lần đầu tiên đã xây dựng một chương mới, Chương VII: Về bào chữa, trong đó có nhiều quy định mới xác định thời điểm người bào chữa được tham gia sớm hơn, thủ tục giảm tiện với thời hạn giải quyết sớm hơn dự thảo bước đầu cụ thể hóa quyền im lặng của người bị tình nghi phạm tội để có cơ hội tiếp cận ngay với người bào chữa khi có yêu cầu.

Bổ sung nhiều quyền quan trọng của người bào chữa như: quyền gặp, hỏi một cách độc lập đối với người bị buộc tội đang bị tạm giam; quyền thu thập đánh giá chứng cứ; quyền cùng với kiểm sát viên đề xuất thẩm phán thụ lý giải quyết các yêu cầu trước khi mở phiên tòa và quy định mới về trình tự xét hỏi, trong đó kiểm sát viên sẽ hỏi trước rồi đến người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự.

Tuy nhiên, từ thực tiễn đời sống tố tụng hình sự thời gian vừa qua, nhất là một số rất ít vụ án hình sự oan sai nhưng gây bức xúc trong dư luận xã hội, có vụ án các cơ quan tố tụng xem xét phán xử nặng hơn, hoặc nhẹ hơn với thực tế tội trạng.

Đại biểu Phạm Huy Hùng cho rằng, cần minh định rõ hơn nữa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và tinh thần Hiến pháp 2013 trong dự thảo lần này. Mục đích để người dân, các đương sự, tổ chức có được môi trường an toàn pháp lý, được bảo vệ các quyền cơ bản trong khuôn khổ pháp luật.

Trong điều kiện đặc trưng chủ yếu của tố tụng hình sự, thẩm vấn xác định, chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng. Đại biểu cho rằng, cần phải tạo một cơ chế và môi trường thuận lợi cho luật sư được tiếp cận và đáp ứng yêu cầu cần sự hỗ trợ pháp lý từ phía người bị tình nghi phạm tội là bên yếu thế. Từ đó góp phần đề cao vị trí, vai trò của luật sư trong thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng hình sự. Cụ thể:

Thứ nhất, đề nghị không quy định người bào chữa là người tham gia tố tụng và đưa nội dung các Điều 50, 51,52 Chương IV thành điều khoản tương ứng trong Chương VII. Xác định địa vị pháp lý của người bào chữa theo hướng coi người bào chữa là một chủ thể tư pháp độc lập bình đẳng với các chủ thể khác. Viện kiểm sát thực hiện quyền công tố, Tòa án thực hiện quyền tư pháp bảo vệ công lý. Các chủ thể này thực hiện chức năng buộc tội. Luật sư chứng minh sự vô tội hoặc thực hiện việc gỡ tội.

Việc luật sư bào chữa tham gia tố tụng không chỉ để thực hiện việc bào chữa, gỡ tội cho bị can, bị cáo mà còn góp phần cùng các cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật vụ án, tìm đến chân lý khách quan của vụ việc. Bản thân hoạt động của người bào chữa xác lập một kênh giám sát với các cơ quan tư pháp.

Thứ hai, những vướng mắc trong thực tiễn là thân nhân gia đình khi nhờ luật sư đều phải qua thủ tục điều tra viên và nhà tạm giữ, trại tạm giam lấy ý kiến người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. Nên rất nhiều trường hợp luật sư bị từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa.

Từ đó, đại biểu Phạm Huy Hùng đề nghị sửa Khoản 1, Điều 107 dự thảo thành người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện theo pháp luật, người thân thích hoặc người được họ chỉ định mời. Phù hợp với Khoản 4, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Đại biểu đề nghị tháo gỡ cơ chế xin cho bằng cách xóa bỏ thủ tục cấp giấy đăng ký người bào chữa tại Điều 110 dự thảo thay bằng cơ chế luật sư chỉ cần thông báo với cơ quan điều tra, và điều tra viên về sự tham gia bào chữa trong vụ án, có giấy ủy nhiệm của thân nhân gia đình người thân thích và sự đồng ý của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Bãi bỏ những rào cản về thủ tục hành chính làm hạn chế đến việc bảo đảm quyền bào chữa là quyền hiến định như hủy bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa chuyển sang chế độ đăng ký của luật sư bào chữa.

Theo đại biểu, trường hợp bị tình nghi phạm tội, không xác định được người bào chữa cụ thể thì những người tiến hành tố tụng trong vòng 24 giờ phải lập tức thông báo yêu cầu này cho người đại diện hợp pháp, người thân thích hoặc người được họ chỉ định để chủ động hoặc được quyền thay mặt họ liên hệ người bào chữa đối với trường hợp không đủ điều kiện hoặc thuộc diện chính sách có yêu cầu trợ giúp pháp lý. Những người tiến hành tố tụng phải thông báo cho cơ quan trợ giúp pháp lý, nhà nước chỉ định người bào chữa cho họ.

Hồ Hương