ĐBQH HOÀNG DUY CHINH - BẮC KẠN: TẬP TRUNG ĐẨY MẠNH HƠN NỮA CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

29/05/2018

Thảo luận tại phiên họp toàn thể về tình hình kinh tế xã hội và quyết toán ngân sách nhà nước sáng 26/5, ĐBQH Hoàng Duy Chinh-Bắc Kạn đề nghị tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính.

ĐBQH Hoàng Duy Chinh thảo luận tại hội trường

Tán thành báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2017 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, ĐBQH Hoàng Duy Chinh đánh giá kết quả đạt được là rất lớn, đáng trân trọng, cử tri đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, còn một số tồn tại hạn chế như trong báo cáo đã nêu, đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại kỳ họp này và một số kỳ họp trước phân tích rất kỹ. ĐBQH Hoàng Duy Chinh đồng tình và chia sẻ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dù nhiều cố gắng với nhiều giải pháp xong chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Cử tri mong muốn và đòi hỏi Chính phủ cần tập trung khắc phục, đây có thể là tồn tại qua nhiều năm có hạn chế mới nảy sinh. Tháo gỡ từng việc nhất là do liên quan đến quy định thể chế chính sách, yếu tố chủ quan làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Tại kỳ họp này, ĐBQH đề xuất 3 vấn đề để Chính phủ và bộ, ngành nghiên cứu thêm trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2018 và thời gian tới.

Một là tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính ngoài việc chú ý giải quyết các thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày tốt hơn, cần tập trung cải cách hành chính trong mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan tổ chức trong bộ máy hệ thống chính trị, quan hệ công tác giữa cấp trên, dưới, ngang, dọc, hạn chế thấp nhất việc tình trạng chờ hoặc xin ý kiến để làm bỏ lỡ cơ hội đầu tư, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Hai là rà soát các chính sách nhằm đảm bảo tập trung nguồn lực, tránh cùng một đối tượng nhưng có nhiều chính sách, nhiều ngành đầu tư hoặc chậm giải ngân vốn. Nghiên cứu điều chỉnh phương pháp, tiêu chí phân bổ nguồn lực cho hợp lý, trong đó đặc biệt chú ý và quan tâm đến vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng ATK, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì những vùng này tuy có nhiều tiềm năng nhưng đến nay chưa thể phát huy được nên đại bộ phận người dân sinh sống ở những vùng này còn gặp rất nhiều khó khăn, tỉ lệ nghèo chiếm cao nhất cả nước, có nhiều lý do, trong đó có lý do xuất phát điểm thấp, kinh tế chưa phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông đi lại khó khăn, nguồn lực địa phương không đáp ứng được yêu cầu trong khi đó nhu cầu đầu tư đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, nhất là đối với kết cấu hạ tầng giao thông và các công trình thiết yếu khác phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội như giáo dục, y tế v.v... Mặc dù trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cùng các địa phương khác trong cả nước đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư giúp đỡ và chia sẻ, song do địa bàn rộng bị chia cắt độ dốc lớn, nhất là các vùng Tây Bắc, Việt Bắc và một số địa phương khác, dân cư thưa, giao thông đi lại khó khăn, đồng thời thường xuyên chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng về thiên tai gây ra.Mặt khác, đây là vùng có tỉ lệ phủ xanh cao nhất, lưu trữ bảo tồn nhiều loài động thực vật gen quý hiếm, song chính những người dân nơi đây đang giữ bảo vệ rừng thì lại chưa   sống được bằng nghề rừng trên mảnh đất của quê hương mình. Đây cũng là địa bàn chiến lược về quốc phòng an ninh, những năm qua, các địa phương này cũng đã tích cực chủ động kêu gọi đầu tư xong đều không đạt được như mong muốn, lý do như đại biểu Hà đoàn Hà Giang đã phân tích. Chính vì vậy, ĐBQH đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách, nguồn lực đủ mạnh để đầu tư cho các địa phương này nhằm giúp đỡ đồng bào giảm bớt khó khăn và phần nào rút ngắn khoảng cách về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào những vùng này đối với các địa phương có điều kiện thuận lợi hơn, đúng với chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, đây cũng là ước nguyện của đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Ba là tăng cường quản lý các trang mạng xã hội, xây dựng các quy định của pháp luật với các chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai sự thật, bôi nhọ danh dự, uy tín của người khác.

Hồ Hương

Các bài viết khác