ĐBQH LÝ TIẾT HẠNH – BÌNH ĐỊNH: KIÊN QUYẾT ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THOÁI VỐN Ở NHỮNG DOANH NGHIỆP MÀ NHÀ NƯỚC KHÔNG TRỰC TIẾP KINH DOANH THU LỢI NHUẬN

29/05/2018

Chiều 28/5, tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016. ĐBQH Lý Tiết Hạnh - Bình Định, cho rằng, cần kiên quyết đẩy nhanh tiến độ thoái vốn ở những DN mà nhà nước không nhất thiết giữ cổ phần chi phối theo tinh thần là nhà nước không trực tiếp kinh doanh để thu lợi nhuận.

Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh - Bình Định phát biểu tại Hội trường

Để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội, sử dụng có hiệu quả nguồn lực nhà nước, trong đó có vấn đề về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, và vấn đề sử dụng doanh nghiệp nhà nước như một công cụ để phục vụ cho mục tiêu phát triển, đại biểu có 3 kiến nghị sau đây:

Thứ nhất, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần gắn với chức năng kinh tế của nhà nước, quá trình tổ chức sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có nội dung quan trọng là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được tiến hành từ năm 1992, đến nay đã đem lại rất nhiều kết quả. Nhiều doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa hoạt động có hiệu quả, giữ vai trò nòng cốt trong nhiều ngành kinh tế, đã có sức hấp dẫn rất lớn trên thị trường chứng khoán.

Việc nhà nước thoái vốn trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã tạo một nguồn tài chính quan trọng bổ sung vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đây là một nguồn lực rất lớn nhưng lại hữu hạn, nếu sử dụng không có hiệu quả thì sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, do đó đại biểu đề nghị chỉ sử dụng nguồn vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn và của các doanh nghiệp để đầu tư hạ tầng của nền kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông, các khu kinh tế, khu công nghệ cao, nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Thứ hai, cần kiên quyết đẩy nhanh tiến độ thoái vốn ở những doanh nghiệp mà nhà nước không nhất thiết giữ cổ phần chi phối theo tinh thần là nhà nước không trực tiếp kinh doanh để thu lợi nhuận. Tuy nhiên, đánh giá những khó khăn, trở ngại của quá trình tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước, trong đó có cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự định vị vai trò nhà nước trong nền kinh tế thị trường và cho đến nay Chính phủ đóng hai vai trò:

Vai trò thứ nhất, Chính phủ với vai trò là thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có quản lý nhà nước về kinh tế.

Vai trò thứ hai, Chính phủ với vai trò nhà đầu tư kinh doanh trên thị trường thông qua các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp có vốn của nhà nước. Đánh giá quá trình cổ phần hóa trong thời gian qua và nghiên cứu mô hình đã và đang được nhiều quốc gia theo mô hình kinh tế thị trường thực hiện có 3 điểm thiết yếu:

Một, nhà nước không có kinh doanh quá nhiều lĩnh vực.

Hai, cần có mô hình quản lý để nhà nước không "vừa đá bóng, vừa thổi còi", trong lúc nhà nước vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế thì nhà nước đồng thời là chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước trực tiếp kinh doanh trên thị trường.

Ba, sự kinh doanh của nhà nước nếu có thì phải mang tính dẫn đường thúc đẩy thị trường phát triển theo kiểu "thuyền lên nước lên" chứ không cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thị trường vì mục tiêu kiếm lời đồng thời phải gắn với lợi ích xã hội phục vụ người dân ở những lĩnh vực tư nhân không tham gia. Do đó, đại biểu kiến nghị trong báo cáo cần đi sâu đánh giá rõ hơn các vấn đề nêu trên để làm rõ hơn thực trạng và yêu cầu công tác cổ phần hóa của nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Các đại biểu làm việc tại Hội trường chiều 28/5

Về giải pháp, đại biểu kiến nghị ưu tiên thoái hết vốn ở những doanh nghiệp mà nhà nước không nhất thiết nắm giữ cổ phần chi phối và phải duy trì tỷ lệ nắm giữ trên 51% ở những doanh nghiệp mà nhà nước cần tham gia để định hướng phát triển nền kinh tế. Vấn đề này trong báo cáo giám sát cũng nêu rất rõ, tuy nhiên điều quan trọng ở đây là lĩnh vực nào là lĩnh vực được xác định then chốt của nền kinh tế hoặc lĩnh vực công ích nhà nước mà cần nắm quyền chi phối thì cần phải được xác định rất rõ. Đồng thời, phải có tiêu chí rõ ràng, cụ thể, phù hợp và phải công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện, có tính toán đến vấn đề nhà nước cần đầu tư thực hiện vai trò định hướng phát triển ở những lĩnh vực địa bàn kinh tế mang ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế, an ninh, quốc phòng nhưng có động lực phát triển trong phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng.

Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy, báo cáo giám sát cũng có đề cập đến những sai phạm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa trong thời gian qua, đại biểu đề nghị trong báo cáo giám sát phải có thêm kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý dứt điểm những vi phạm đã xảy ra. Ở trong báo cáo ghi là xử lý nghiêm, đề nghị bổ sung thêm là "nghiêm và dứt điểm". Đề nghị Chính phủ đánh giá lại quá trình cổ phần hóa tại các cảng biển để điều chỉnh phù hợp.

Thứ ba, trong quá trình thực hiện chủ trương cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước đã tiến hành cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, Thanh tra Chính phủ đã có Quyết định 776 ngày 5/4/2017 về việc thành tra toàn diện việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn. Tuy nhiên đến nay hơn 1 năm chưa hoàn thành việc thanh tra. Việc này đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thành việc thanh tra cảng Quy nhơn, công khai kết luận thanh tra vì càng để lâu càng tạo ra dư luận thắc mắc trong dân, làm ảnh hưởng đến chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà chúng ta đang tập trung để tiến hành trong giai đoạn hiện nay. 

Vân Ngọc

Các bài viết khác