ĐBQH VŨ THỊ NGUYỆT-HƯNG YÊN: CHÍNH PHỦ NÊN QUY ĐỊNH CỤ THỂ CÁC TIÊU CHÍ CẦN ĐỂ ĐÁNH GIÁ DOANH NGHIỆP

29/05/2018

Chiều 24/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Phát biểu tại phiên họp, ĐBQH Quốc hội Vũ Thị Nguyệt - Hưng Yên đề nghị khi Chính phủ quy định cụ thể các tiêu chí tiêu chí cần có để có thể đánh giá DN, tránh tình trạng khó xác định hoặc số lượng các DN được đánh giá đủ tiêu chuẩn lớn.

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt phát biểu tại phiên họp

Thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, đại biểu Vũ Thị Nguyệt tán thành báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không bỏ cụm từ "hành vi cạnh tranh không lành mạnh". Tuy nhiên trong phần giải thích từ ngữ tại khoản 6 Điều 3 quy định về "hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác". Đại biểu thấy rằng việc giải thích từ ngữ như dự thảo luật thì khó áp dụng xử phạt trong thực tế nếu chúng ta không có thêm các quy định giải thích trong các trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, dự thảo luật dành hẳn một chương riêng quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, mặc dù một số quy định như quy định xâm phạm bí mật kinh doanh, ép buộc trong kinh doanh, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh v.v...đều có văn bản pháp luật khác điều chỉnh nhưng hầu như không đủ, không phản ánh hết diễn biến phức tạp của thị trường hiện nay. Do vậy, dự thảo luật quy định một chương riêng về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và bổ sung thêm một số hành vi chưa quy định trong luật là phù hợp.

Toàn cảnh phiên làm việc chiều ngày 24/5

Về vấn đề lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, về bố cục của chương, đại biểu đề nghị nên đảo vị trí các Điều 25, 26, 27 quy định về sức mạnh thị trường đáng kể trước rồi đến quy định về doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, cuối cùng là quy định doanh nghiệp có vị trí độc quyền. Quy định như vậy sẽ thuận lợi hơn cho người tiếp cận luật cũng như để dẫn chiếu luật. Theo đó, tôi đề nghị nên thiết kế lại như sau: Điều 25 quy định về cách xác định sức mạnh thị trường đáng kể. Điều 26 quy định về doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Điều 27 quy định doanh nghiệp có vị trí độc quyền.

Cụ thể tại Điều 27 xác định sức mạnh thị trường đáng kể, dự thảo luật lần này đưa ra 9 yếu tố mang tính định hướng để xác định sức mạnh thị trường đáng kể thay vì 11 tiêu chí định tính như dự thảo luật lần đầu, tránh tình trạng quy định không khả thi do không lượng hóa được cụ thể. Đại biểu đề nghị khi Chính phủ quy định cụ thể các tiêu chí xác định sức mạnh thị trường nên quy định định lượng cụ thể, tiêu chí xác định và quy định số lượng tối thiểu, tiêu chí cần có để có thể đánh giá doanh nghiệp để khi luật ban hành các cơ quan có thẩm quyền có thể quản lý, tránh tình trạng khó xác định hoặc số lượng các doanh nghiệp được đánh giá đủ tiêu chuẩn lớn, gây khó khăn cho công tác quản lý sau này.

Về vấn đề quy định phát tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, đại biểu Vũ Thị Nguyệt cho rằng, hình thức phạt tiền với hành vi này cần xét trong mối tương quan khi xử lý đối với doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề. Trong trường hợp này các doanh nghiệp có thể chỉ vi phạm pháp luật về cạnh tranh trong một hoặc một số ngành nghề hành hóa dịch vụ mà họ kinh doanh chứ không phải là vi phạm toàn bộ các ngành nghề mà họ đang kinh doanh. Khi đó chúng ta xử phạt vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 114, tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm là chưa được chính xác, thiếu tính khách quan cũng như sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Ví dụ, có doanh nghiệp kinh doanh 5 loại ngành nghề khác nhau nhưng họ chỉ vi phạm pháp luật về cạnh tranh đối với một loại ngành nghề mà ngành nghề họ vi phạm chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu của doanh nghiệp. Nếu luật quy định xử phạt 5% hoặc 10% trên tổng doanh thu thu được từ tất cả các ngành nghề doanh nghiệp kinh doanh sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Do đó, chúng ta chỉ nên tính tỷ lệ phần trăm doanh thu thu được từ ngành hàng hóa dịch vụ mà doanh nghiệp vi phạm quy định về cạnh tranh. Do đó, đại biểu đề nghị khoản 1 và khoản 2 Điều 114 được viết lại như sau:

Một, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng mức doanh thu thu được từ ngành hàng hóa dịch vụ mà doanh nghiệp vi phạm và là doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm nhưng không vượt quá mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Hai, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 5% tổng doanh thu thu được từ ngành hàng hóa dịch vụ mà doanh nghiệp vi phạm và là doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.

 

Mai Trang

Các bài viết khác