ĐBQH NGỌ DUY HIỂU – TP HÀ NỘI: CÁC BỘ, NGÀNH CẦN TẬP TRUNG HƠN NỮA TRONG VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

31/05/2018

Sáng 30/5, tại phiên thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu - TP Hà Nội cho rằng, trong thời gian tới, các bộ, ngành cần phải tập trung hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu - TP Hà Nội phát biểu tại Hội trường

Thứ nhất, về chất lượng dự án luật, đại biểu cho rằng, mặc dù nhiệm kỳ mới Đảng đã quyết liệt chỉ đạo việc thể chế hóa đường lối, chủ trương nghị quyết của Đảng thành pháp luật, Quốc hội có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng pháp luật và Chính phủ tập trung chỉ đạo thể chế nhưng việc cải thiện tình hình này chưa nhiều, chưa đáp ứng mong đợi của nhân dân và doanh nghiệp về phát triển trong yêu cầu mới. Chất lượng của nhiều dự án luật còn rất xa cuộc sống. Có những dự án luật mới đưa ra những dự thảo ban đầu đã nhận được sự phản đối rất quyết liệt và gay gắt từ nhân dân. Có người cũng đã nói quy định pháp luật thì trên trời, còn cuộc đời thì ở dưới đất. Đây là vấn đề phải hết sức quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới để các bộ, ngành cần phải tập trung hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.

Vấn đề thứ hai, theo đại biểu, xác định trách nhiệm và chế tài sẽ là một giải pháp để chúng ta khắc phục tình trạng chất lượng dự thảo luật. Có thể thấy còn nhiều dự án luật chưa đảm bảo tiến độ và chất lượng còn rất hạn chế khi trình Quốc hội. Trong khi đó một số quy định của pháp luật khi được ban hành chưa đưa vào cuộc sống thì đã gặp những vướng mắc. Có những quy định khi đi vào cuộc sống thì lại cản trở sự phát triển, có những quy định của pháp luật nếu được ban hành bằng những quy định pháp luật khác nó có thể mang lại những nguồn lực rất lớn cho đất nước cũng như giải quyết việc làm. Đây chính là những quy định pháp luật cản trở sự phát triển.

Tuy nhiên, để xác định trách nhiệm từ ai, từ cơ quan nào hiện nay chúng ta làm chưa rõ, trong khi ở khâu thực hiện thì việc này chúng ta làm khá tốt. Đó là nếu một người thực hiện quy định của pháp luật có hành vi làm trái hay thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản thì có thể người đó sẽ phải đi tù. Nhưng ở việc tham mưu ban hành chính sách cũng như việc ban hành chính sách pháp luật mà không đáp ứng yêu cầu, thậm chí cản trở sự phát triển. Mặc dù đây là những vấn đề không đong đếm được nhưng hiện nay chưa có chế tài. Đây là sự không công bằng mà trong tương lai chúng ta phải tìm giải pháp khắc phục và đây chính là con đường để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật cũng như đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc tham mưu xây dựng pháp luật.

Các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019,

điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018

Thứ ba, về vấn đề tiếp thu và giải trình, thời gian qua, nhiều ban soạn thảo đã tiếp thu, giải trình rất nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nhưng cũng có những ban soạn thảo giải trình, tiếp thu không đầy đủ, chưa quan tâm đến những ý kiến cá biệt, những ý kiến còn khác nhau, đặc biệt là đối với những vấn đề lớn và những vấn đề quan trọng. Đại biểu cho rằng, có những ý kiến dù là cá biệt nhưng trong đó cũng hàm chứa những giá trị khoa học và những chân lý mà đôi khi phải thực tiễn và thời gian mới kiểm nghiệm, mới khẳng định được tính đúng sai. Do vậy, rất mong Ban soạn thảo cần phải giải trình đầy đủ những ý kiến còn khác biệt.

Vấn đề thứ tư, về vấn đề xây dựng Luật Công đoàn, trong các lưu ý ở đây có lưu ý là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm đến vấn đề xây dựng dự thảo Luật Công đoàn, tôi xin nêu ra 4 vấn đề để đề xuất lùi việc xây dựng Luật Công đoàn:

Một, yêu cầu đầu tiên của việc xây dựng luật đó là phải căn cứ vào yêu cầu của tình hình thi hành luật, với 5 năm thực hiện đến nay Luật Công đoàn không có vướng mắc, bất cập nào mà ở cơ quan cấp dưới đề xuất lên với Tổng Liên đoàn, chúng ta sửa luật khi chưa có vấn đề phát sinh thì là một khó khăn.

Hai, theo kế hoạch của Đảng đoàn cũng như công văn 1099 của Ủy ban Pháp luật Quốc hội gửi cho Tổng Liên đoàn để đề xuất sửa đổi Luật Công đoàn trong đó có nêu vấn đề cần tập trung là tổ chức bộ máy. Tổ chức bộ máy hiện nay của công đoàn chỉ có quy định tại Điều 7 của Luật Công đoàn là về hệ thống tổ chức của công đoàn là 4 cấp, còn các vấn đề xung quanh bộ máy, biên chế của công đoàn lại nằm trong chính văn bản của Đảng và điều lệ của tổ chức công đoàn. Hội nông dân, thanh niên, phụ nữ cũng không có luật nhưng vẫn hoạt động bình thường vì có các văn bản của Đảng quy định về tổ chức bộ máy và điều lệ của tổ chức, nên đây là lý do thứ hai đại biểu đề xuất cần phải nghiên cứu lùi.

Ba, hiện nay, chúng ta tham gia CPTPP và trong các điều khoản chúng ta cam kết CPTPP về điều khoản lao động công đoàn, có xác định là sau 5 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực thì điều khoản về lao động công đoàn có hiệu lực theo đó là ở cơ sở được thành lập tổ chức khác của người lao động, hay nói cách khác là sẽ có một tổ chức công đoàn mới. Đây là vấn đề mới, nhạy cảm, chưa có tiền lệ, rất cần công đoàn cần phải có một khoảng thời gian. Đây chính là lý do mà công đoàn đã báo cáo với Chính phủ, Bộ Chính trị để trong quá trình đàm phán cho kéo dài 5 năm để chuẩn bị các điều kiện, lực lượng, nguồn lực, trải nghiệm những vấn đề thực tế để sau đó chúng ta khái quát hóa thành những quy định của pháp luật trong tương lai. Nếu sửa luật ngay bây giờ về một vấn đề mới, nhạy cảm khi chúng ta chưa có kinh nghiệm, kể cả kinh nghiệm quốc tế thì đây là vấn đề có thể đặt ra thách thức trong tương lai. Do vậy, đại biểu thấy cần phải lùi thời gian. Cùng với đó chúng ta sửa Bộ luật Lao động dự kiến là năm 2019 và 2020 sẽ có hiệu lực thì khi sửa, sẽ có thêm nội dung để cụ thể hóa thể chế, thể hiện trong Luật Công đoàn. Bộ Chính trị cũng đang xem xét để có thể phê chuẩn đề án đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn, thì khi đề án này được thông qua, sau này sẽ sửa Luật Công đoàn trên cơ sở thể chế những vấn đề của đề án này.

Vấn đề thứ năm, đại biểu đề xuất dừng Luật Công đoàn nhưng xây dựng Luật Giải quyết các vụ án lao động, hiện nay các quy định này đang nằm ở Bộ luật Lao động và Bộ luật Tố tụng dân sự nhưng những quy định này không đáp ứng được yêu cầu giải quyết các vụ án lao động. Người lao động không thể đợi chờ vài năm như việc đợi chờ giải quyết một tài sản để giải quyết vấn đề về việc làm cho họ hay chế độ thai sản trong khi ngày sinh rất liền kề do vậy tính chất đặc thù của quan hệ lao động rất cần phải có một luật riêng.

Vân Ngọc

Các bài viết khác