BỘ TRƯỞNG BỘ GT-VT NGUYỄN VĂN THỂ: CỐ GẮNG TỚI NĂM 2020 SẼ THÔNG ĐƯỢC CAO TỐC TỪ TRUNG LƯƠNG ĐẾN MỸ THUẬN

31/07/2018

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải trình rõ và đưa ra các biện pháp cụ thể về việc tái cơ cấu Vinashin, Vinalines; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án đường cao tốc.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn

Tái cơ cấu Vinashin, Vinalines đạt hiệu quả đến đâu?

Đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu - An Giang đề nghị Bộ trưởng cho biết việc tái cơ cấu Vinashin, Vinalines hiện nay đạt hiệu quả đến đâu? Số nợ còn tồn tại đến giờ tăng lên bao nhiêu nghìn tỷ đồng? Bộ trưởng có giải pháp gì để đến kỳ họp sau đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước không còn thấy con số nợ này tiếp tục tăng lên? Đồng thời, tại phiên chất vấn, đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ hơn về một số dự án BOT đi theo với việc mở rộng quốc lộ 1A như Hà Nội-Bắc Giang, Thái Nguyên- Chợ Mới?

Đại biểu Quốc hội đưa ra quan điểm

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong thời gian vừa qua Bộ đã tiến hành tái cơ cấu Vinashin, Vinalines. Cụ thể Vinashin sau khi tái cơ cấu được đánh giá là chưa hiệu quả, do đó Chính phủ cũng đã thường xuyên họp, chỉ đạo quyết liệt để giải quyết tốt những dự án có sai phạm của Vinashin. Còn Vinalines sau thời gian củng cố, năm 2017 đã có lãi trên 500 tỷ đồng và kế hoạch năm 2018 lãi là khoảng 700 tỷ đồng, hiện nay Bộ đang chuẩn bị ATO để cổ phần hóa Vinalines. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nêu rõ, số nợ của Vinashin hiện nay vẫn nằm trong phạm vi Chính phủ bảo lãnh, do đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đề xuất các giải pháp, Bộ Giao thông vận tải sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ.

Về việc mở rộng quốc lộ 1A, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, một số quốc lộ trên Thái Nguyên và các trạm đã được đặt trên các tuyến song hành, kể cả trên tuyến chính và phục vụ cho cả tuyến tránh. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện Bộ đang thực hiện việc xử lý những dự án này trên cơ sở đánh giá toàn diện của Chính phủ; xem BOT là một kênh quan trọng nhất để phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian sắp tới. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết thêm, Bộ đang triển khai xây dựng mới 654km đường cao tốc Bắc - Nam phía đông trên nền tảng vốn ngân sách Nhà nước và xã hội hóa với hình thức PPP; đồng thời, để khắc phục một số bất cập, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ một cách tốt nhất, khi Chính phủ có quyết định Bộ sẽ thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ.

Đến năm 2020 sẽ thông được cao tốc từ Trung Lương đến Mỹ Thuận

Gửi đến Bộ trưởng câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong - Hậu Giang đề nghị Bộ trưởng cho biết dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ đã triển khai được đến đâu? Khi nào được đưa vào sử dụng theo cam kết của Bộ trưởng?

Đại biểu Quốc hội đăt câu hỏi chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu về dự án Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận triển khai nhiều đợt nhưng tiến độ rất chậm, thậm chí không triển khai được; mấu chốt của vấn đề là chúng ta chưa thu xếp được vốn để triển khai, dự án này khoảng gần 10.000 tỷ, còn dự án cầu Mỹ Thuận 2 cũng chưa có kế hoạch xây dựng, do đó các nhà đầu tư không hào hứng. Bộ trưởng cũng nêu rõ, nếu chúng ta có cầu Mỹ Thuận 2, có đoạn cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ thì toàn bộ dự án Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ sẽ là một đường chạy thẳng từ Thành phố Hồ Chí Minh về, hiệu quả kinh tế rất cao.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã biểu quyết bố trí để xây dựng cầu Mỹ Thuận 2. Hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang tập trung, và sẽ phê duyệt dự án cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nêu rõ, vì có nhiều yếu tố mới, do đó, nhà đầu tư BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã thu xếp vốn đối với 5 ngân hàng tài trợ gần 7.000 tỷ đồng cùng với vốn của nhà đầu tư, đảm bảo đủ điều kiện để triển khai dự án Trung Lương - Mỹ Thuận.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, với điều kiện hiện nay về vốn, về mặt bằng, Bộ sẽ cố gắng thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tới năm 2020 sẽ thông được cao tốc từ Trung Lương đến Mỹ Thuận. Riêng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ, Bộ đã tổ chức mời thầu 1 tháng theo đúng quy trình. Qua thông báo hiện nay có 4 nhà liên doanh tham dự dự án này. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ Giao thông vận tải đang tiến hành sơ tuyển các điều kiện bắt buộc với dự án, sau khi sơ tuyển trong vòng 1 tháng sẽ chính thức đấu thầu. Dự kiến của Bộ Giao thông vận tải khoảng tháng 7, tháng 8 sẽ tổ chức đấu thầu; cố gắng trong năm nay lựa chọn được 1 nhà đầu tư, 1 liên doanh có đủ điều kiện thực hiện dự án Mỹ Thuận- Cần Thơ.

Quốc lộ 19 và Quốc lộ 25 chưa được nằm trong danh mục đầu tư công trung hạn

Chất vấn Bộ trưởng tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt - Gia Lai nêu rõ, cách đây gần 2 năm đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai đã chất vấn những vấn đề bức xúc về con đường gian khổ, nguy hiểm ở Quốc lộ 19, Quốc lộ 25; hai trạm BOT ở 2 đầu Quốc lộ kết nối miền Trung với Tây Nguyên và với các nước trong khu vực. Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng khẳng định một lần nữa đến khi nào triển khai xây dựng?

Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Quốc lộ 19 và Quốc lộ 25 là một trong những con đường mang tính trọng điểm khu vực và có ý nghĩa lớn đối với nhiều địa phương. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong kế hoạch trung hạn Bộ Giao thông đã xây dựng với kinh phí cần thiết là 952.000 tỷ, nhưng khi Quốc hội biểu quyết và căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế thì chỉ bố trí được 292.000 tỷ, do đó con đường này chưa được nằm trong danh mục đầu tư công trung hạn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng phân tích thêm, để thực hiện con đường này chúng ta không thể thực hiện dự án BOT, vì BOT chỉ triển khai song hành, mà song hành thì kinh phí rất lớn. Do đó, Bộ Giao thông vận tải cùng các địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ, tham mưu cho Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tranh thủ các nguồn vốn có thể bố trí được trong nhiệm kỳ này. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ ra rằng, hiện nay còn gần 10% vốn dự phòng trung hạn, nếu Quốc hội, Chính phủ đồng thuận và các bộ, ngành đồng thuận, có kinh phí chúng ta sẽ triển khai con đường này bằng ngân sách nhà nước./.

Hồ Hương