ĐBQH LƯU BÌNH NHƯỠNG: CẦN CÓ CƠ CHẾ GIÁM SÁT NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TRONG CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN

07/08/2019

Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo đúng quy định của pháp luật. Theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, thực hiện hiệu quả quy trình tiếp công dân là "chìa khóa" hạn chế đơn thư vượt cấp. Nhưng thực tế thời gian qua, ở một số nơi, công tác tiếp công dân chưa đi vào nề nếp, đặc biệt vẫn còn tình trạng người đứng đầu ủy quyền cho cấp dưới khiến hiệu quả tiếp công dân chưa cao.

Người đứng đầu ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân còn khá phổ biến

Bức xúc của người dân tại Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã lên đến đỉnh điểm… Bởi khu đất vàng, nằm ngay giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh lại có đơn giá bồi thường một mét vuông đất chỉ mua nổi vài tô phở trong khi các nhà đầu tư bất động sản đang chào bán hàng trăm triệu đồng? Nhiều đơn thư, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp đã được gửi lên các cơ quan ở Trung ương. Đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ giữa cử tri với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh; Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố; Thanh tra Chính phủ, của Ban tiếp dân Trung ương được tổ chức. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm của UBND thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đó là công tác đối thoại tiếp công dân của các cấp chính quyền từ thành phố đến quận, phường không hiệu quả khiến một dự án lớn, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ mà những khiếu kiện, khiếu nại của người dân không được lắng nghe thấu đáo và giải quyết đến nơi đến chốn.

Bài học tại Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm là bài học về công tác tiếp công dân lắng nghe và xử lý khiếu kiện. Có hay không những khiếu kiện của người dân bị “đá lên đá xuống”, ngành này đổ cho ngành kia rồi bị lãng quên? Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vụ việc khiếu kiện kéo dài liệu đã được làm rõ? Điều đáng nói, bài học ở Thủ Thiêm không chỉ bài học của riêng thành phố Hồ Chí Minh, mà còn là bài học đắt giá với các cấp chính quyền cả nước trong việc tiếp công dân, xử lý khiếu kiện của người dân.

Bức xúc của người dân tại Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm không được giải quyết đã dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài trong nhiều năm.

Ban Tiếp dân Trung ương là nơi tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Rất nhiều đơn thư vượt cấp được gửi đến đây, đa phần là những khiếu nại liên quan đến đất đai và kéo dài nhiều năm nhưng không được giải quyết ở cơ sở. Thực tế này được chứng minh qua các số liệu trong Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018 của Chính phủ. Cụ thể, trong năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước so với năm 2017. Trong đó, tổng số đơn khiếu nại, tố cáo tăng 11,8%, tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng 4,7%. Trong đó, số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (61,8%). Đánh giá của Chính phủ khẳng định tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân nhìn chung còn diễn biến phức tạp và gay gắt.

Qua các cuộc giám sát về việc thực hiện Luật tiếp công dân của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại 12 địa phương và xem xét qua báo cáo của 63 UBND tỉnh, thành phố về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, Đoàn giám sát nhận thấy, một số vấn đề bất cập trong công tác tiếp công dân. Điều đáng chú ý là, tiếp công dân của người đứng đầu UBND các cấp tại 12 địa phương mà Đoàn đến giám sát đều chưa thực hiện đúng quy định của Luật Tiếp công dân. Việc tổng hợp số liệu từ báo cáo của UBND tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu UBND các cấp còn thấp so với quy định. Theo đó, tỷ lệ Chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân chỉ đạt 48%, cấp huyện đạt 72%, trong khi đó cấp xã chỉ đạt 24%.

Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Việc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở hầu hết các địa phương đều chưa đủ số kỳ tối thiểu theo quy định của Luật Tiếp công dân. Do vậy, việc tiếp công dân còn chưa gắn với thẩm quyền giải quyết nên chất lượng tiếp công dân chưa cao, khiếu nại vượt cấp chưa giảm. Cụ thể, số buổi tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân đối với 39 tỉnh có số liệu báo cáo chỉ đạt trung bình là 48,3% so với định mức quy định. Ngoài ra việc ủy quyền cho cấp phó của người đứng đầu tiếp công dân còn khá phổ biến ở các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh tỷ lệ ủy quyền còn nhiều, trung bình chiếm 64,35%. Số buổi tiếp công dân định kỳ trung bình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đối với 42 tỉnh có báo cáo số liệu chỉ đạt 71,8% so với quy định. Đặc biệt, số buổi tiếp công dân định kỳ trung bình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đối với 38 tỉnh có số liệu báo cáo đạt rất thấp so với quy định, chỉ đạt 24%. Đáng lưu ý có tỉnh tỷ lệ này chỉ đạt dưới 5%”

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải

Qua tổng hợp ý kiến cử tri trước và sau các kỳ họp, cử tri tiếp tục phản ánh công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo nhiều nơi chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật. Hiện tượng người đứng đầu UBND các cấp không tiếp công dân định kỳ nhưng chưa được thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, xử lý kịp thời, dẫn tới việc coi nhẹ nhiệm vụ tiếp công dân, không kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, việc người đứng đầu liên tục ủy quyền và phân công cho cấp phó và cán bộ không đủ thẩm quyền tiếp công dân khiến hiệu quả tiếp công dân không cao.

Theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013, Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương ít nhất 01 ngày trong 01 tháng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 02 ngày trong 01 tháng và Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở UBND cấp xã ít nhất một ngày trong một tuần.

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết, theo quy định của Luật Tiếp công dân thì lãnh đạo tổ chức công tác tiếp công dân tại cơ quan mình 1 tháng/1 lần nhưng trên thực tế nhiều trường hợp người đứng đầu lại ủy quyền hoặc không thực hiện đầy đủ số lần tiếp công dân. Đây là hành vi trái quy định của Luật tiếp công dân, nhưng chế tài xử phạt đối với việc không tiếp công dân thì trong Luật Tiếp công dân không quy định cụ thể, không gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Mà trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu nếu xem xét đầy đủ lại nằm trong Luật Cán bộ công chức, viên chức hoặc các quy định của Đảng liên quan đến trách nhiệm của đảng viên.

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội 

Luật quy định là vậy, nhưng nhiều ý kiến phản ánh vai trò tiếp công dân của người đứng đầu vẫn còn “mờ nhạt”. Số lần tiếp công dân của người đứng đầu theo quy định trong luật không phải nhiều. Vì vậy để giải quyết kịp thời những kiến nghị, vướng mắc, khiếu nại của công dân thì việc tuân thủ quy định pháp luật về tiếp công dân của lãnh đạo là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện. Điều này vừa thể hiện việc chấp hành nghiêm kỷ luật công vụ, vừa thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu với công dân. Đó cũng là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm hạn chế phát sinh những điểm “nóng”, kéo giảm khoảng cách giữa người dân và chính quyền.

Cơ quan nào giám sát hoạt động tiếp công dân của người đứng đầu?

Có thể khẳng định, công tác tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ giúp nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài, đông người, phức tạp, tạo áp lực lớn cho các cơ quan Trung ương. Vậy, các quy định trong Luật tiếp công dân đã được thực thi như thế nào trong thực tế? Và cơ chế nào để giám sát việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre.

Phóng viênCảm ơn đại biểu đã trả lời phỏng vấn của Cổng thông tin điện tử Quốc hội. Thưa đại biểu, thời gian qua việc thực hiện các quy định trong Luật Tiếp công dân được thực hiện như thế nào trong thực tế?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Việc tiếp công dân là hết sức quan trọng. Tiếp công dân phải theo quy định của Luật tiếp công dân, theo đó các chức danh có thẩm quyền từ Trung ương tới cấp xã đều phải tiến hành tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất theo quy định của pháp luật. Ví dụ bộ trưởng và các chức danh tương đương phải tiếp ít nhất 1 lần trong 1 tháng. Hay chủ tịch huyện phải tiếp ít nhất 2 lần trong 1 tháng hay chủ tịch xã phải tiếp 4 lần/tháng. Trong trường hợp này, chúng ta phải đánh giá xem việc tiếp công dân đã đúng quy trình chưa? Tại kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu nêu ý kiến về việc tiếp công dân và báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá việc tiếp công dân ở nước ta bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu so với yêu cầu của Luật tiếp công dân vẫn chưa đáp ứng. Số lần tiếp công dân của các chức danh theo quy định của Luật Tiếp công dân chưa đúng. Nhiều người vẫn nhận thức sai vấn đề, ví dụ Bộ trưởng phải tiếp công dân chứ không phải Lãnh đạo bộ. Có thể ủy quyền cho cấp phó nhưng không thể ủy quyền mãi được, mà bản thân người đứng đầu phải trực tiếp tiếp công dân.

Có thực trạng một số địa phương phân công cho đồng chí phó làm nhiệm vụ tiếp công dân là không đúng với quy định. Nếu phân công như vậy là áp dụng pháp luật sai. Vì vậy, cần lưu ý đến chức danh tiếp công dân. Ai là người có trách nhiệm tiếp công dân, cần phải xem xét lại. Thứ hai là số lần tiếp công dân cũng cần phải được quan tâm, thực hiện đúng quy định. Trên thực tế, chưa có địa phương, sở ngành nào đạt được. Thứ ba là chất lượng tiếp công dân, vẫn còn tình trạng qua loa, đại khái. Có một số người tìm cách xoa dịu, hứa nhưng không thực hiện. Có người tiếp với thái độ nóng nảy hoặc người không đủ tiêu chuẩn làm nhiệm vụ tiếp công dân, dẫn tới việc người dân rất bức xúc, khiếu kiện vượt cấp. Với tư cách của đại biểu quốc hội, tôi cho rằng đây là vấn đề cần phải lưu tâm, xem xét nghiêm túc.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Phóng viên: Qua hoạt động giám sát, đại biểu đánh giá như thế nào về việc thực hiện các quy định trong luật? Và còn những tồn tại, bất cập gì, thưa đại biểu?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện: Chúng ta có đầy đủ các quy định về tiếp công dân, Thủ tướng cũng có quy định vấn đề này. Nhưng việc nhận thức và áp dụng vẫn chưa đúng pháp luật. Vì vậy, chúng ta phải tăng cường khâu giám sát của cơ quan dân cử. Bản thân Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan dân cử ở địa phương cần tăng cường hơn nữa việc giám sát tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật.

Khi chúng tôi đi giám sát ở địa phương mới thấy vai trò của cơ quan dân cử địa phương trong việc giám sát không cao. Có một số đại biểu quốc hội cũng chưa quan tâm đến việc giám sát này, chưa có ý kiến để đưa ra chất vấn và có văn bản để gửi các cơ quan chấn chỉnh vấn đề này. Vì vậy mà không phát hiện được vi phạm, có vi phạm cũng không được xử lý đến nơi đến chốn. Như vậy, cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra, và xử lý vi phạm của chúng ta yếu, do vậy đây là khâu cần thiết nhất để thực hiện Luật tiếp công dân.

Phóng viên: Thưa đại biểu, như đại biểu đã phân tích, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, cần có cơ chế giám sát như thế nào để nâng cao hiệu quả tiếp công dân?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện: Qua giám sát cá nhân cũng như giám sát của Ban dân nguyện, chúng tôi đều đánh giá nghiêm túc và đề nghị các địa phương chấn chỉnh vấn đề này; đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vấn đề này ra Quốc hội để thảo luận và đưa vào các Nghị quyết. Trong tất cả vấn đề có liên quan, chúng ta đều phải làm theo đúng trình tự, quy trình. Còn về mặt cá nhân, đại biểu quốc hội cũng có ý kiến với người có thẩm quyền, người đứng đầu. Tôi cho rằng chúng ta đã có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, của các chức danh là người đứng đầu tiếp công dân.

Vừa qua Bộ Chính trị cũng có quy định về trách nhiệm của cấp ủy trong tiếp công dân. Do vậy, các cơ quan, ban ngành, địa phương cần làm tốt công tác tiếp công dân, trong đó cần ban hành kế hoạch, quy trình, trong đó có kiểm tra, giám sát và xử lý đối với người đứng đầu. Nếu người đứng đầu không thực hiện hoặc giao cho cấp phó hoặc người không đủ thẩm quyền, thì cần phải xử lý trách nhiệm theo quy định. Tôi cho rằng, việc tiếp công dân phải được nhận thức là vấn đề quan trọng. Vì không tiếp công dân nên mới dẫn tới khiếu kiện vượt cấp, gây bất ổn chính trị xã hội ở địa phương, thì người đứng đầu phải liên đới chịu trách nhiệm cả những vấn đề có liên quan.

Như vậy, khi đánh giá hiệu quả tiếp công dân, không chỉ đánh giá về mặt số lượng các cuộc tiếp công dân mà còn phải đánh giá chất lượng cũng như hậu quả gây ra đối với kinh tế xã hội của địa phương, cơ quan, lĩnh vực, ngành mình phụ trách nếu không thực hiện tiếp công dân đến nơi, đến chốn./.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Sau nhiều vụ việc khiếu kiện, tố cáo phức tạp, kéo dài, gây mất trật tự an toàn xã hội, tháng 2/2019 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 11/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Theo đó, người đứng đầu cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện tiếp dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng. Người đứng đầu cấp xã tiếp công dân ít nhất 02 ngày trong 01 tháng. Qua ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho thấy, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ quan trọng, do vậy, các cấp, ngành, địa cần dành thời gian hợp lý cho công tác tiếp công dân. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần xem xét trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo là một trong các tiêu chí để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, có như vậy mới đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương và kéo giảm tình trạng đơn thư, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp./.

Lan Hương