ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG: CẦN RÀ SOÁT KỸ CÁC QUY ĐỊNH VỀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ HỘ KINH DOANH

25/02/2020

Nhằm đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đề nghị cần rà soát kỹ các quy định về vấn đề doanh nghiệp nhà nước và hộ kinh doanh.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đưa ra quan điểm

Về việc sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương chỉ ra rằng, khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã được đưa ra và sửa đổi trong các lần xây dựng Luật Doanh nghiệp vào năm 2005, năm 2014. Năm 2005 quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp, trong đó nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Năm 2014 định nghĩa này lại được thay đổi, chỉ có doanh nghiệp nào do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới được xem là doanh nghiệp nhà nước. Trong dự Luật lần này, khái niệm doanh nghiệp nhà nước lại một lần nữa được sửa đổi, đó là doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. 

Theo đại biểu, việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước là cần thiết để phù hợp với chủ trương và thực hiện các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập khi chúng ta đã tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Theo hiệp định này, định nghĩa doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp nhà nước trực tiếp sở hữu trên 50% vốn hay kiểm soát trên 50% quyền biểu quyết. Tuy nhiên, việc thay đổi khái niệm có tác động lớn đến khối doanh nghiệp. Khi đã là doanh nghiệp nhà nước thì việc quản lý doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định chặt chẽ hơn nhiều về công tác cán bộ, tổ chức bộ máy, các chính sách cho người lao động như lương, thưởng, các hoạt động đoàn thể v.v.. Đồng thời cũng có khả năng ít nhiều được thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn, các ưu đãi về đất đai cũng như các nguồn lực khác.

Bên cạnh đó khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã và đang được điều chỉnh trong rất nhiều các văn bản luật khác. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải đánh giá kỹ các tác động này và rà soát các văn bản pháp luật liên quan để có các quy định chuyển trước lộ trình thực hiện việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để không nảy sinh vướng mắc mâu thuẫn trong quá trình thực hiện khi luật có hiệu lực.

Về việc bổ sung hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu đánh giá dự Luật bổ sung một chương về hộ kinh doanh theo nguyên tắc hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh cùng tồn tại và hoạt động với các loại hình kinh doanh khác như doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Chương mới bổ sung 5 điều quy định về hộ kinh doanh, đăng ký hộ kinh doanh, quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh, thực hiện quyền chủ hộ kinh doanh. Trong một số trường hợp đặc biệt thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Như vậy, các hộ kinh doanh sẽ bị điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp theo các quy định tại chương quy định chung, chương về hộ kinh doanh và chương về tổ chức thực hiện. Hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh liên tục và thường xuyên vì mục tiêu lợi nhuận, kinh tế hộ kinh doanh đang phát triển mạnh với hơn 5 triệu hộ kinh doanh.

Theo đại biểu phân tích, về mặt kinh tế, hộ kinh doanh phù hợp với loại hình doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, đơn giản và nhanh nhạy. Tuy nhiên cũng rất nhiều hộ kinh doanh có thu nhập hàng trăm tỷ đồng không hề nhỏ chút nào. Hộ kinh doanh được ưa thích vì đây là loại hình kinh doanh ít chịu ràng buộc nhất, chi phí thành lập và hoạt động thấp nhất. Do đó để đảm bảo sự minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh doanh, đại biểu đồng ý việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật làm cơ sở để Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết. Tuy nhiên, hiện nay dự thảo luật mới chỉ luật hóa một số nội dung được quy định tại Nghị định 78 và theo đó chỉ hộ kinh doanh là một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký, đồng thời bỏ đi quy định về hộ kinh doanh chỉ được sử dụng thường xuyên dưới 10 lao động, trên 10 lao động phải thành lập doanh nghiệp. Như vậy nếu các luật chuyên ngành liên quan như thuế, kế toán không thay đổi thì rõ ràng đây là một sự không hợp lý. Bởi vì cá nhân có thể lựa chọn kinh doanh theo loại hình doanh nghiệp tư nhân hoặc theo hộ kinh doanh, trong khi doanh nghiệp tư nhân bị ràng buộc bởi các quy định pháp luật chặt chẽ, còn hộ kinh doanh thì đơn giản hơn nhiều. Vì vậy các cá nhân sẽ lựa chọn đăng ký hộ kinh doanh thay vì đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Đại biểu cho rằng, song song với việc tiếp tục nghiên cứu để luật hóa các nội dung về hộ kinh doanh đang được quy định trong các văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định, phù hợp với thực tiễn, bổ sung các quy định để phát huy lợi ích kinh tế từ nguồn lực đầu tư mô hình kinh doanh này cần cắt bỏ những quy định không còn phù hợp đang áp đặt lên các doanh nghiệp này như bắt buộc phải có kế toán trưởng, quy định về nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp vừa nhỏ, siêu nhỏ, các quy định về quy trình thuế. Có như vậy mới đảm bảo được sự phát triển hài hòa, bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh./.

Hồ Hương

Các bài viết khác