ĐBQH NGUYỄN HỮU QUANG: HOÀN THIỆN THÊM MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA DỰ ÁN LUẬT DOANH NGHIỆP (SỬA ĐỔI)

24/02/2020

Phát biểu ở Hội trường tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, đại biểu Nguyễn Hữu Quang- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra một số quan điểm để Cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang phát biểu tại Hội trường

Về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, đại biểu Nguyễn Hữu Quang đồng ý bổ sung hộ kinh doanh vào quy định của Luật vì đây là một khu vực kinh tế đóng góp trên 30% GDP nhưng do chưa có hệ thống pháp luật đầy đủ để điều chỉnh khu vực này nên khu vực kinh tế này chưa được pháp luật bảo hộ một cách đầy đủ và cũng chưa có sự đóng góp tương xứng vào ngân sách nhà nước như là quy mô kinh tế của nó. Tuy nhiên, để đồng bộ trong quản lý thì đại biểu đề nghị Chính phủ cần ban hành quy định về chế độ kế toán đối với loại hình doanh nghiệp này. Ví dụ như vừa rồi thì Chính phủ đã ban hành chế độ kế toán đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ từ 7 khoản mục kế toán xuống còn 4 khoản mục kế toán. Còn đối với hộ kinh doanh thì có thể đơn giản hơn, chỉ 1 đến 2 khoản mục về kế toán.

Về khái niệm doanh nghiệp nhà nước tại Khoản 8 Điều 4, đại biểu đề nghị cân nhắc thận trọng việc sửa đổi quy định: Doanh nghiệp nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ thì được gọi là doanh nghiệp nhà nước. Bởi theo đại biểu phân tích thì đây là sự bất bình đẳng ngay trong tên gọi, nhà nước sở hữu trên 50% thì gọi là doanh nghiệp nhà nước trong khi các thành phần kinh tế khác sở hữu 49% thì không được gọi là gì cả. Hơn nữa, việc Nhà nước tham gia vốn vào doanh nghiệp khác, kể cả tham gia trên 50% vốn, nhưng các doanh nghiệp này có thể là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, v.v. thì cơ cấu tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp này phải tuân thủ các loại hình doanh nghiệp đó. Việc có trên 51% vốn ở các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn mà quy định tổ chức hoạt động như doanh nghiệp nhà nước là mâu thuẫn và không khả thi.

Như vậy trong thực tế sẽ không rõ là các doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình của doanh nghiệp nhà nước hay là công ty cổ phần. Sau khi cổ phần hóa thì doanh nghiệp nhà nước nắm trên 51%, nhưng đó là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn 1, 2 thành viên, vậy có sự mâu thuẫn trong cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động. Nếu để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý của các doanh nghiệp cổ phần hóa mà nhà nước nắm trên 51% vốn điều lệ và thực tế hiện nay đang có những bất cập thì chúng ta đã có Luật Quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước vào sản xuất kinh doanh. Nếu ta thấy Luật này chưa đầy đủ thì sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, đại biểu chỉ ra rằng, tuy duy coi doanh nghiệp ngoài nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ là doanh nghiệp nhà nước sẽ cản trở quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là chưa phù hợp. Vì thực tiễn cho thấy, khi cổ phần hóa mà nhà nước nắm cổ phần chi phối sẽ kém hấp dẫn các nhà đầu tư hiện nay, nếu coi là doanh nghiệp nhà nước thì lại càng kém hấp dẫn và không thu hút được nguồn lực xã hội để phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, theo đại biểu, để đúng tính chất của luật này là Luật Doanh nghiệp, đề nghị tại lần sửa đổi này chỉ tập trung quy định các loại hình doanh nghiệp như trong dự thảo luật là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, mô hình tổ chức hoạt động và quản lý của các loại hình doanh nghiệp…

Về điều kiện để chia lợi nhuận, quy định ở Điều 69 có ghi “doanh nghiệp chỉ được chia lợi nhuận khi có lãi và đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính, sau khi chia lợi nhuận phải có nguồn để thực hiện nghĩa vụ tài chính khác”. Đại biểu cho rằng quy định như này là thừa, không cần nêu là có lãi mới được chia, bởi vì chia lợi nhuận nghĩa là phải có lãi rồi, không cần ghi là doanh nghiệp phải có lãi mà chỉ cần ghi là đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và sau khi chia lợi nhuận phải đủ nguồn để thực hiện nghĩa vụ khác. Việc chia cổ tức, chia lợi nhuận hàng năm và nghĩa vụ tài chính là công việc suốt cả đời của doanh nghiệp, cho nên nếu quy định là sau khi chia lợi nhuận phải có đầy đủ nguồn để thực hiện các lĩnh vực tài chính khác là bất hợp lý.

Cuối cùng, về việc cấp đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký kinh doanh, đại biểu cho rằng công tác này cần được tổ chức thống nhất để tránh những bất cập, vướng mắc. Hiện nay cơ quan đăng ký doanh nghiệp thống kê được số lượng doanh nghiệp, nhưng chưa kiểm soát thực tế doanh nghiệp hoạt động hay không hoạt động hay không, do đó đề nghị nên có một tổ chức thống nhất về việc đăng ký doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh để hạn chế những tồn tại trong thời gian vừa qua./.

Hồ Hương

Các bài viết khác