ĐBQH TRƯƠNG THỊ YẾN LINH ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XÂY DỰNG

25/06/2020

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Trương Thị Yến Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đóng góp một số ý kiến hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trương Thị Yến Linh tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về khái niệm nhà ở riêng lẻ tại điểm e khoản 1 Điều 1, khoản 29 Điều 3 Luật Xây dựng hiện hành quy định như sau “Nhà ở riêng lẻ là công trình được xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật”. Tại điểm e khoản 1 Điều 1 dự thảo luật sửa đổi bổ sung đã bãi bỏ khoản 29 Điều 3 này, tức là loại bỏ khái niệm này ra khỏi phần giải thích từ ngữ. Tuy nhiên, đại biểu chỉ rõ Luật Xây dựng hiện hành có nhiều nội dung quy định có đề cập đến khái niệm nhà ở riêng lẻ như tại Điều 50, Điều 52, Điều 79, Điều 89, v.v.. Do vậy, việc giải thích từ ngữ đối với khái niệm này là hoàn toàn cần thiết để người đọc có khái niệm cụ thể về nội dung này trước khi đi vào nghiên cứu chi tiết luật.

Theo đại biểu, khái niệm này chưa thật sự rõ ràng, chưa đầy đủ và còn thiếu chặt chẽ. Do vậy, để đảm bảo khái niệm này được giải thích một cách chặt chẽ hơn, đồng thời phù hợp với quy chuẩn xây dựng Việt Nam, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 29 Điều 3 như sau: “Nhà ở riêng lẻ là công trình được xây dựng trên thửa đất riêng biệt, thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liên kế và nhà ở độc lập”.

Thứ hai, về các trường hợp không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng ở khu vực nông thôn. Tại khoản 2 Điều 89 của Luật Xây dựng năm 2014 đã sửa đổi và bổ sung lại một số quy định so với các trường hợp không yêu cầu chủ đầu tư xây dựng phải có giấy phép xây dựng. Đại biểu cũng thống nhất với hướng điều chỉnh của dự thảo luật về việc miễn giấy phép xây dựng cho các công trình này có ý nghĩa lớn cả về góc độ quản lý nhà nước cũng như là về kinh tế - xã hội, phù hợp với tình hình và xu hướng phát triển của đất nước. Tuy nhiên tại điểm i khoản 2 quy định “Công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, nhà ở riêng lẻ thuộc vùng miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng trừ công trình nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn khu di tích lịch sử văn hóa”, quy định này phát sinh 2 vấn đề sau.

Thứ nhất, do quy định trên không quy định rõ các công trình nào xây dựng ở những khu vực trên đã được miễn giấy phép xây dựng, nên nhiều người dân đã tự tổ chức xây dựng các công trình với quy mô và cấp công trình rất lớn nhưng không phải nộp hồ sơ thiết kế để cơ quan có thẩm quyền thẩm định, qua đó, thiết kế kết cấu chịu lực của công trình cũng không đảm bảo, gây ra các nguy cơ nguy hiểm cho người sử dụng và các khu vực lân cận. Ngoài ra, việc xây dựng như vậy cũng sẽ tạo ra nhiều khó khăn trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch sử dụng sau này.

Thứ hai, công trình xây dựng nhà ở thuộc các khu vực trên sẽ được miễn giấy phép xây dựng, trừ công trình được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa thì không được miễn giấy phép. Đại biểu cho rằng quy định này cũng vẫn còn thiếu, bởi vì hiện nay xảy ra nhiều tình trạng những cá nhân, tổ chức ở cạnh các khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa, ở bên ngoài ranh giới các khu vực này nhưng thuộc khu vực nông thôn được miễn giấy phép xây dựng, tổ chức xây dựng các công trình có kiến trúc hoặc sử dụng những vật liệu không phù hợp với tổng thể mỹ quan hoặc môi trường các khu bảo tồn, khu di tích lịch sử, văn hóa.

Từ đó, đại biểu kiến nghị điểm e khoản 2 Điều 89 được sửa đổi, bổ sung theo hướng: “Công trình xây dựng và nhà ở riêng lẻ từ cấp 3 trở xuống ở nông thôn thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, nhà ở riêng lẻ thuộc vùng miền núi, hải đảo, thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng, trừ công trình được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa và ngoài những khu vực này nhưng phải trong bán kính là 100m”. Việc bổ sung quy định này sẽ khắc phục được sự thiếu sót của Luật Kiến trúc cũng như Luật Di sản và Luật Bảo vệ môi trường, v.v..

Thứ ba, về thẩm quyền cấp phép xây dựng, khoản 35 Điều 1 dự thảo luật về sửa đổi Điều 103 Luật Xây dựng, về thẩm quyền cấp phép xây dựng theo hướng chỉ có 2 cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Về cơ bản, đại biểu cũng thống nhất với các nguyên tắc phân chia thẩm quyền như trong dự thảo luật. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị cần bổ sung thêm quy định thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc cấp phép xây dựng công trình đối với những công trình xây dựng thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, nhưng công trình này nằm trên địa bàn từ 2 huyện trong cùng một tỉnh trở lên. Thực tế trong thời gian qua đã xảy ra những trường hợp này và các cơ quan chức năng cũng đã khá lúng túng, không xác định được thẩm quyền và cơ sở pháp lý của việc cấp phép xây dựng.

Nghĩa Đức - Bích Lan