ĐBQH ĐIỂU HUỲNH SANG GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XÂY DỰNG

25/06/2020

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đóng góp một số ý kiến hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Điểu Huỳnh tham gia đóng góp một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo phân định rõ khái niệm “hoạt động đầu tư xây dựng” với “hoạt động xây dựng”. Hoạt động đầu tư xây dựng là quá trình tiến hành các hoạt động xây dựng, gồm có xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng. Với quy định này thì luật chỉ giới hạn điều chỉnh hoạt động đầu tư, tạo lập công trình xây dựng, trong khi với các dự án đầu tư xây dựng hiện nay thì không chỉ tạo lập công trình xây dựng mà còn bao gồm cả việc kinh doanh, khai thác, sử dụng công trình để thu hồi vốn và lợi nhuận thông qua các hoạt động đầu tư gắn với công trình xây dựng, điển hình như các dự án PPP nói chung, do đó Luật Xây dựng chỉ nên điều chỉnh trong phạm vi hoạt động xây dựng.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo nên quy định về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 là: luật này quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng.

Tại khoản 25 Điều 3 có giải thích khu chức năng bao gồm khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch, khu nghiên cứu, đào tạo, khu thể dục, thể thao. Trong khi các loại quy hoạch xây dựng theo quy định tại Điều 13 bao gồm: quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng đặc thù và quy hoạch nông thôn. Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương thì việc thẩm định các đồ án quy hoạch về khu trang trại điện năng lượng mặt trời, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lại chưa có quy định cụ thể nên còn gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung và quy định rõ hơn đối với các khu vực nêu trên vào quy hoạch khu chức năng hoặc cũng phải quy định rõ trong luật để các địa phương làm căn cứ trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch về xây dựng.

Về phân loại và cấp công trình xây dựng dự án đầu tư xây dựng tại điểm a khoản 3 Điều 5, đại biểu thống nhất với nội dung phân nhóm công trình, tuy nhiên đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các hạng mục công trình mang tính chất dân dụng như phần nhà và công trình xây dựng nhưng thuộc các nhóm công trình khác như công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, để có sự quản lý thông qua công tác thẩm định hoặc cấp phép xây dựng của cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước và dự án sử dụng vốn khác có quy mô lớn, có ảnh hưởng lớn đến an toàn và lợi ích của cộng đồng. Đại biểu đề nghị bổ sung nhóm các hạng mục công trình mang tính chất dân dụng vào dự thảo luật cũng như quy định về trách nhiệm tham gia quản lý thông qua công tác thẩm định chuyên ngành của các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng.

Đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 49 về phân loại dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, tại khoản 2 phân loại theo quy mô, tầm quan trọng của dự án thì được phân loại thành 3 nhóm: Nhóm A, nhóm B và nhóm C, tiêu chí theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, quy định này là chưa phù hợp đối với các dự án sử dụng nguồn vốn hợp pháp khác không thuộc vốn đầu tư công. Các dự án sử dụng nguồn vốn này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Đầu tư công nên không thể quy định tiêu chí theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung quy định riêng về phân loại dự án cho các dự án sử dụng nguồn vốn hợp pháp, nguồn vốn hợp pháp khác nhằm làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về thẩm định, cấp phép xây dựng và các nội dung liên quan khác.

Về cấp phép xây dựng công trình, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định trong dự thảo luật; sửa đổi, bổ sung thành phần hồ sơ gồm có bản sao Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp dự án phải có giấy chứng nhận đầu tư, bản sao Báo cáo đánh giá tác động môi trường và quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường vì Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rõ và quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng là căn cứ để cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng. Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng có sử dụng nhiều cụm từ "là công trình có quy mô lớn hoặc có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng". Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản nào quy định cụ thể về đối tượng công trình, như thế nào là công trình có quy mô lớn. Từ đó dẫn tới việc không thể xác định được công trình nào là công trình có quy mô lớn để triển khai việc thực hiện.

Về công tác thẩm định, thiết kế xây dựng, triển khai sau thiết kế cơ sở sở cũng như công tác cấp phép xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng. Đại biểu cũng thống nhất với nhiều ý kiến cho rằng, đó là công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn.

Về hợp đồng xây dựng, theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 143 của Luật Xây dựng là khi điều chỉnh hợp đồng làm thay đổi mục tiêu đầu tư, thời gian thực hiện hợp đồng làm vượt dự toán gói thầu xây dựng được phê duyệt thì phải được người quyết định đầu tư cho phép. Tuy nhiên, tại khoản 7 Điều 67 Luật Đấu thầu năm 2013 lại quy định trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng mà không làm kéo dài tiến độ hoàn thành dự án thì các bên tham gia hợp đồng thỏa thuận thống nhất việc điều chỉnh. Trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng làm kéo dài tiến độ hoàn thành dự án thì phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Như vậy, có sự khác nhau về vấn đề điều chỉnh tiến độ hợp đồng được quy định ở 2 luật. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo phải xem xét điều chỉnh cho thống nhất giữa 2 luật để tránh sự chồng chéo và gây khó khăn trong khi áp dụng.

Nghĩa Đức - Bích Lan