ĐBQH NGHIÊM VŨ KHẢI GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

25/06/2020

Góp ý dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Nghiêm Vũ Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng thống nhất cao với Tờ trình và những nội dung cơ bản của dự án luật, bao gồm cả dự thảo và các văn bản kèm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng

Theo ĐBQH Nghiêm Vũ Khải, so với Luật 2006 thì dự án luật lần này đã được sửa đổi, bổ sung khá toàn diện trên cơ sở tổng kết thực tiễn 15 năm thực hiện Luật số 72/2006/QH11 và trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá thực trạng các xu thế hợp tác và chuyển dịch lao động khu vực và thế giới cũng như trên cơ sở quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực người Việt Nam lao động ở nước ngoài nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung. Đại biểu nhận định, Luật số 72/2006/QH11 và các văn bản hướng dẫn trong gần 15 năm đã tạo dựng được hành lang pháp lý để hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc ngày càng đạt thành tích rất đáng ghi nhận, góp phần thực hiện chủ trương nhất quán và lâu dài của Đảng và Nhà nước là góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai thực hiện thì tình hình trong nước và khu vực cũng như quốc tế đã có nhiều thay đổi. Vì vậy, theo đại biểu cần phải sửa đổi luật là điều tất yếu.

Về tên gọi của luật, ĐBQH Nghiêm Vũ Khải cho rằng, tên gọi của luật hiện hành và tên trong sửa đổi ghi là Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có tới 15 từ. Đây cũng là một trong những tên luật khá dài. Ngoải ra, tên gọi của luật có 2 cụm từ có nhiều nội hàm gần nhau, đó là "người lao động" và "đi làm việc". Vì vậy, đại biểu đề xuất tên mới có thể rút ngắn được 3 từ, còn lại 12 tư, đó là "Luật Người Việt Nam lao động ở nước ngoài theo hợp đồng". Như vậy, trong tên gọi của luật có 3 nội dung quan trọng cần phải có, đó là "người lao động Việt Nam", "đi làm việc ở nước ngoài", "theo hợp đồng".

Về chính sách của nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ĐBQH Nghiêm Vũ Khải cơ bản nhất trí với Điều 4 của dự thảo luật. Điều luật đã nêu khá đầy đủ những nội dung cần thiết quy định về chính sách của nhà nước về người Việt Nam lao động nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị có thể chỉnh sửa một số vấn đề liên quan đến thứ tự và một vài thuật ngữ, cụm từ để thể hiện tính khái quát, tính bao trùm với ý nghĩa là một điều quy định về chính sách, mang tính chất như là một tuyên ngôn, thái độ quốc gia về vấn đề người Việt Nam lao động ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể, đại biểu đề xuất sửa đổi khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 4 như sau:

Khoản 1 nên đưa vấn đề có tính chất khái quát, bao trùm lên trên, đó là "chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về lĩnh vực hợp tác lao động, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng".

Khoản 2 nên ghép khoản 1 với khoản 4 của dự thảo quy định là "khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ, nâng cao tay nghề, áp dụng chế độ ưu đãi đối với những người thuộc đối tượng chính sách xã hội đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng".

Khoản 3 cơ bản giữ nguyên nhưng có điều chỉnh "tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động mở thêm thị trường lao động mới, thị trường mang lại việc làm có thu nhập cao, công việc và ngành nghề giúp nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài".

Đối với quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, ĐBQH Nghiêm Vũ Khải đề nghị bổ sung thêm về vấn đề quyền. Trước hết, quyền của họ có thể từ chối thực hiện những công việc trái quy định của pháp luật, trái đạo đức, văn hóa, thuần phong, mỹ tục. Quyền thứ hai cần được bổ sung, đó là yêu cầu các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước sở tại và các tổ chức có liên quan thực hiện các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, kể cả hỗ trợ về tư pháp.

Bên cạnh đó, về trình độ và chất lượng người lao động Việt Nam ở nước ngoài, ĐBQH Nghiêm Vũ Khải cho rằng, đây là vấn đề cũng cần phải quy định làm sao nâng cao trình độ của người Việt Nam ở nước ngoài, tham gia những thị phần lao động có lương cao và trình độ cao./.

Trọng Quỳnh