ĐBQH NGUYỄN KIM TUYẾN: VĂN BẢN THỎA THUẬN QUỐC TẾ PHẢI ĐƯỢC LẬP VÀ KÝ KẾT BẰNG TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG NƯỚC NGOÀI

16/12/2020

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, cho ý kiến vào Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định văn bản thỏa thuận quốc tế phải được lập và ký kết bằng Tiếng Việt và tiếng nước ngoài.

Cho ý kiến về đối tượng áp dụng, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho rằng, về giải thích từ ngữ quy định tại khoàn 2, Điều 2, dự thảo liệt kê các cơ quan, đơn vị tham gia ký kết thỏa thuận quốc tế gồm Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án, v.v.. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét tách nội dung này thành một điều khoản là đối tượng áp dụng để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cần xem xét bổ sung các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ, v.v. vào đối tượng áp dụng của luật, vì thực tế thời gian qua các đơn vị này đã tham gia ký kết các thỏa thuận quốc tế rất hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho cả 2 bên ký kết. Đại biểu nêu ví dụ một số trường đại học có ký kết trao đổi và chia sẻ giảng dạy giữa các trường trong và ngoài nước hoặc một số bệnh viện cũng có ký kết hợp tác với những tổ chức chuyên môn trong và ngoài nước cũng khá hiệu quả.

Về ngôn ngữ thỏa thuận quốc tế tại Điều 7 của Dự thảo luật quy định thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp mà thỏa thuận quốc tế chỉ có tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch ra tiếng Việt. Đại biểu đề nghị cần quy định văn bản thỏa thuận phải được lập và ký kết bằng tiếng Việt và cả tiếng nước ngoài, tức là bản tiếng Việt và bản tiếng nước ngoài này đều phải có giá trị pháp lý ngang nhau, thể hiện lòng tự tôn ngôn ngữ của dân tộc mình. Cho nên không đồng ý bản tiếng Việt chỉ là bản dịch lại từ bản tiếng nước ngoài, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét.

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang góp ý vào Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế.

Về trình tự sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế tại khoản 2 Điều 33 và trình tự, thủ tục chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế, quy định tại khoản 3 Điều 34 của dự thảo luật, Dự thảo luật nêu: thực hiện tiến hành tương tự trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại luật này. Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho rằng, quy định như vậy chưa thực sự phù hợp, bởi vì mỗi chế định đều phải có căn cứ, phạm vi, nội hàm thực hiện nhiệm vụ, ngoài những việc chung như ký kết thỏa thuận quốc tế, bên cạnh đó có thể là phát sinh những vấn đề như những bất đồng, những mâu thuẫn hoặc tranh chấp dẫn đến việc cần phải sửa đổi, bổ sung, gia hạn hoặc chấm dứt hiệu lực cũng như rút khỏi hay tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế này. Như vậy để việc triển khai thực hiện nội dung này thống nhất và thuận lợi, tôi đề nghị cần quy định rõ căn cứ, nội dung và nội hàm của từng thủ tục thực hiện thỏa thuận quốc tế để có cơ sở pháp lý cho các nội dung này thực hiện có hiệu quả.

Góp ý về một số nội dung khác của Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại khoản 4 Điều 2 về giải thích từ ngữ đối với bên ký kết nước ngoài. Theo như dự thảo luật thì bên ký kết nước ngoài là Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, chính quyền địa phương, tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài, tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cũng cần xem xét quy định để đảm bảo tính pháp lý đối với bên ký kết nước ngoài. Cụ thể là quy định về phía tổ chức và cá nhân nước ngoài tham gia ký kết thỏa thuận quốc tế thì phải có tư cách pháp nhân, có năng lực pháp luật để ký kết theo quy định của pháp luật hiện hành của nước sở tại và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “cơ bản khác” tại khoản 1 Điều 3 về nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, vì về mặt từ ngữ thì cụm từ này không có rõ nghĩa cụ thể. Đồng thời, xem xét là bổ sung cụm từ “có liên quan” vào cuối khoản 1 Điều 3 để quy định được chặt chẽ và đầy đủ hơn. Như vậy, khoản 1 Điều 3 sẽ được viết lại thành: phù hợp với Hiến pháp, v.v. tuân thủ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế có liên quan. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng cần xem xét, bổ sung một số khoản vào Điều 3, về nguyên tắc, quy định tính công khai, minh bạch trong ký kết thỏa thuận quốc tế nhằm bảo đảm thỏa thuận quốc tế này nhận được sự giám sát của người dân cũng như của cơ quan, tổ chức có liên quan./.

Lan Hương

Các bài viết khác