ĐBQH VƯƠNG VĂN SÁNG GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

16/12/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Vương Văn Sáng – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đã đóng góp một số ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Vương Văn Sáng cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, đồng thời góp ý một số nội dung cụ thể. Về chính sách của nhà nước về người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, tại Điều 4 dự thảo luật quy định chính sách nhà nước về người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, tuy nhiên theo đại biểu Vương Văn Sáng, trong dự thảo chưa quy định cụ thể về cơ chế, phương thức, mức hỗ trợ để thực hiện các nội dung như hỗ trợ nêu trên. Mặt khác, Điều 71 dự thảo luật quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng cũng chưa giao trách nhiệm quy định cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể các cơ chế, chính sách của nhà nước đối với người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc giao cho Chính phủ, các bộ, ngành quy định chi tiết để đảm bảo tính khả thi của quy định.

Đại biểu Vương Văn Sáng – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu từ điểm cầu trực tuyến. 

Ngoài ra, đại biểu Vương Văn Sáng đề cập đến báo cáo đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tại khoản 4, điều 32 dự thảo quy định: "Chậm nhất là 5 ngày làm việc, kể từ khi người lao động Việt Nam xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu phải cập nhật thông tin về người lao động do doanh nghiệp đưa đi trên hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng". Tuy nhiên, đại biểu Vương Văn Sáng chỉ rõ, dự thảo luật chưa quy định về việc quản lý, vận hành của hệ thống cơ sở dữ liệu về người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng. Mặt khác, tại Điều 71, dự thảo về trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng cũng chỉ quy định về trách nhiệm chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin về người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chưa quy định về việc quản lý, vận hành và trách nhiệm cập nhật thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu về người Việt Nam đi lao động nước ngoài theo hợp đồng.

Về hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp, tại khoản 2, Điều 61 quy định: "Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của địa phương trình Hội đồng nhân dân các cấp có chính sách hỗ trợ người lao động của địa phương đi làm việc ở nước ngoài và sau khi về nước". Theo đại biểu Vương Văn Sáng, chỉ nên hỗ trợ khi lao động đi làm việc ở nước ngoài, còn sau khi về nước, trừ khi bị phá hợp đồng lao động do tình huống bất khả kháng thì không thực hiện hỗ trợ, bởi mục đích đi lao động nước ngoài là để cải thiện thu nhập. Vì vậy, đại biểu Vương Văn Sáng đề nghị bỏ nội dung "và sau khi về nước" tại khoản 2 Điều 6. Đồng thời, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể nội dung về hỗ trợ, tạo việc làm và khởi nghiệp hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để các địa phương có cơ sở cụ thể hóa các chính sách, đảm bảo tính khả thi, tránh lãng phí ngân sách.

Hồ Hương

Các bài viết khác