ĐBQH TRẦN VĂN LÂM: KHÔNG NÊN HẠN CHẾ QUYỀN THÀNH LẬP CHI NHÁNH CỦA DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ

16/12/2020

Tham luận về quy định: “Doanh nghiệp dịch vụ được giao nhiệm vụ cho không quá 3 chi nhánh” tại Điều 17 của Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, quy định như vậy chưa thuyết phục, là biểu hiện của tư duy không quản lý được thì cấm, đồng thời cho rằng, vấn đề ở đây là tính nghiêm minh của việc thực thi pháp luật.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Lâm đã tham gia một số ý kiến cụ thể xung quanh các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong báo cáo giải trình, cơ quan soạn thảo vừa rồi đã báo cáo. Về vấn đề cho phép đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Quốc hội cân nhắc vì 2 lý sau:

Thứ nhất, về mặt quan điểm, chủ trương, đường lối: theo đại biểu Trần Văn Lâm, hiện nay, Đảng, Nhà nước đang nhất quán với quan điểm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó thị trường lao động là một trong những thị trường quan trọng cần phải đảm bảo hoàn thiện để vận hành đầy đủ theo đúng các quy luật của kinh tế thị trường. Trong luật này lại cho phép một chủ thể không mang yếu tố thị trường vào tham gia để thực hiện các hoạt động như các doanh nghiệp, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng và nhiều yếu tố phi thị trường, những quyết định hành chính có thể can thiệp, làm méo mó thị trường lao động nước ta đang nỗ lực cố gắng xây dựng và hoàn thiện thể chế hiện nay.

Đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu từ điểm cầu trực tuyến. 

Thứ hai, về mặt thực tế, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng mặc dù nước ta trong giai đoạn này vẫn cần phải có các chính sách để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, nhưng trong điều kiện bối cảnh tình hình hiện nay không nhất thiết phải thực hiện hỗ trợ thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm công lập. Theo đại biểu, vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm công lập trong việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài nói riêng cũng như giải quyết việc làm nói chung trong thời gian vừa rồi đã có kết quả, nhưng cho đến giai đoạn hiện nay nó đã khác, khi người lao động ngày càng có thêm nhiều kênh tuyển dụng thuận lợi. Cùng với sự phát triển của thị trường lao động thì người lao động có rất nhiều cơ hội để tuyển dụng.  

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho người lao động tìm việc làm cũng rất phong phú, đa dạng và hiệu quả. "Các trung tâm này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Hãy để thị trường làm nhiệm vụ của mình và nhà nước chỉ cần quản lý mà không trực tiếp ra tay”, đại biểu Trần Văn Lâm nêu quan điểm, đồng thời đề nghị cần quán triệt và thực hiện triệt để tinh thần nghị quyết của Đảng về vấn đề này. Thực hiện xã hội hóa chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Tham luận về giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, quy định doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu là 5 tỷ, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, đặt ra quy định như vậy là một thách thức trong quản lý, làm phát sinh nhiều thủ tục phiền phức mà doanh nghiệp phải chấp hành và dễ phát sinh những biến báo tiêu cực. Đại biểu Trần Văn Lâm lý giải, quy định giấy phép dựa trên một yếu tố biến động thường xuyên là vốn chủ sở hữu chứ không phải là vốn điều lệ. Vốn điều lệ là vốn góp khi thành lập mà các cổ đông cam kết nó sẽ bằng vốn chủ sở hữu lúc đầu nếu các cổ đông góp đủ ngay khi thành lập, còn vốn chủ sở hữu là vốn thực tế còn lại sau các chu kỳ kinh doanh. Vốn điều lệ sẽ tăng nếu như doanh nghiệp có lãi và để lại phần lãi làm tăng vốn, và giảm nếu chu kỳ kinh doanh đó lỗ. Vốn này sẽ thay đổi, biến động thường xuyên. Như vậy, hiệu lực của giấy phép căn cứ vào yếu tố vốn chủ sở hữu thì sẽ phải xét lại định kỳ sau mỗi chu kỳ kinh doanh, thường là một năm.

Nếu doanh nghiệp nào lỗ, vốn còn dưới 5 tỷ mà các cổ đông không góp thêm thì sẽ phải rút giấy phép, như vậy các thủ tục hành chính rất phiền hà, phức tạp. Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ quy định này. Nếu thực sự cần ràng buộc trách nhiệm cao của các doanh nghiệp thì cũng không nhất thiết phải sử dụng công cụ phức tạp đến vậy mà có thể chỉ cần quy định mức đặt cọc cụ thể trong luật là 3 tỷ hay 5 tỷ. Như vậy, ràng buộc trách nhiệm sẽ rõ ràng hơn và cao hơn. 

Ở  khoản 3, Điều 17  về giao nhiệm vụ cho Chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ trong Dự thảo Luật quy định “Doanh nghiệp dịch vụ được giao nhiệm vụ cho không quá 3 chi nhánh”. Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, quy định như vậy chưa thuyết phục, là biểu hiện của tư duy không quản lý được thì cấm. Vấn đề ở đây là tính nghiêm minh của việc thực thi pháp luật. 

Đại biểu Trần Văn Lâm nêu quan điểm: lẽ ra doanh nghiệp thành lập nhiều chi nhánh thì họ phải cân nhắc năng lực quản lý của mình và phải chịu trách nhiệm với hoạt động của chi nhánh. Nếu họ không đủ năng lực quản lý mà lập quá nhiều chi nhánh, để chi nhánh vi phạm thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu chi nhánh hoạt động vi phạm thì phải xử lý doanh nghiệp thật nghiêm cả doanh nghiệp cấp trên, thậm chí dừng hoạt động, rút giấy phép doanh nghiệp cấp trên. Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị không nên hạn chế quyền thành lập chi nhánh của các doanh nghiệp.

Về Quỹ hỗ trợ việc làm, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ về vấn đề tồn tại của quỹ này, vì trong thời gian tới quỹ sẽ không còn sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Nguồn của quỹ chủ yếu từ đóng góp của doanh nghiệp và người lao động. Quỹ sẽ làm tăng chi phí, tăng gánh nặng cho người lao động. Trong khi người lao động, doanh nghiệp đã phải chịu nhiều chi phí để được hoạt động kinh doanh và đi xuất khẩu lao động; phải ký quỹ, đặt cọc một khoản tiền không nhỏ. 

Các vấn đề rủi ro đều đã được cân nhắc, dự phòng bằng các cơ chế khá đầy đủ, chặt chẽ; các chính sách hỗ trợ cũng đã có bằng nhiều phương thức khác. Vậy quỹ này có thực sự cần thiết hay không, trong khi chưa biết hiệu quả hoạt động ra sao thì hàng năm quỹ đã phải chi ra 10% cho hoạt động của bộ máy quản lý quỹ”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.

Hồ Hương

Các bài viết khác