ĐBQH CAO ĐÌNH THƯỞNG: CẦN BỔ SUNG 3 KỊCH BẢN TRONG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021

28/01/2021

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Cao Đình Thưởng – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng Chính phủ cần bổ sung các kịch bản trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 để cùng với các bộ, ngành, địa phương đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, chủ động với mọi tình huống có thể xảy ra.

Theo đại biểu Cao Đình Thưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những tháng cuối năm 2020 và năm 2021 phụ thuộc khá nhiều vào việc khống chế dịch bệnh của nước ta. Nếu để dịch bệnh bùng phát trở lại thì tất cả những gì mà Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành từ đầu năm làm được sẽ không còn nhiều ý nghĩa. Kịch bản và các dự báo tăng trưởng trong năm sau và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm sẽ bị thay đổi theo hướng xấu đi. Do vậy, đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn nữa trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không để tình trạng chủ quan trong quản lý dịch bệnh ở các địa phương.

 “Chính phủ cần bổ sung vào báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo 3 kịch bản, đó là: Kịch bản 1, khi hết dịch; Kịch bản 2, dịch vẫn đang đủng đỉnh như hiện nay; Kịch bản 3, dịch bùng phát lớn hơn để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, chủ động với mọi tình huống có thể xảy ra”, đại biểu Cao Đình Thưởng khẳng định.

Đại biểu Cao Đình Thưởng – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá kết quả việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng sâu do tác động của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt các doanh nghiệp, người lao động trực tiếp, vì theo báo cáo tiến độ thực hiện quá chậm, chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đang cho thấy nhiều bất cập, lúng túng trong việc thực thi, ảnh hưởng đến nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm đông đảo nhất cần hỗ trợ lại là nhóm tiếp cận khó nhất. Đây chính là nhóm động lực của năm 2021. Theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, cho đến giữa tháng 9 chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ gói hỗ trợ này.

Nguyên nhân của tình trạng trên phải chăng đó là sự ngại ngùng, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của bộ phận triển khai khiến tiến độ bị chậm trễ”, đại biểu Cao Đình Thưởng nêu câu hỏi, đồng thời cũng cho rằng, việc hỗ trợ trực tiếp chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, giải pháp tình thế, còn về lâu dài nên có các chính sách phù hợp, không để tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến, tìm kiếm thị trường, cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà, rào cản cho doanh nghiệp. Khuyến khích các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp theo hướng kích cầu. Nếu không có bước đột phá trong cải cách hành chính, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sang năm 2021 không những không giúp cho các doanh nghiệp giảm được chi phí khó khăn mà còn kìm hãm sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp, gây khó khăn cho thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp 5 năm, vì đây là đối tượng và động lực chính trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đối với cơ cấu lại và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và xây dựng cơ chế để khu vực doanh nghiệp nhà nước phát huy đúng vai trò đầu tàu của mình, đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp nhà nước giống như những diễn viên ít xuất hiện trên sân khấu kinh tế Việt Nam, nên giờ đây cần phải khơi dậy tiềm năng và tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Như vậy, giải pháp ưu tiên mở rộng và trao đầy đủ quyền tự chủ, tự quyết trong hoạt động đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp nhà nước, phải để cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường, lấy lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu để đánh giá hiệu quả. Để làm được điều này, cần tập trung sửa đổi pháp luật, thay thế hàng chục nghị định, cơ cấu lại danh mục đầu tư tài sản của doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp nhà nước thực sự là quả đấm thép của nền kinh tế trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương ở tất cả các lĩnh vực có thể. Chính phủ, bộ, ngành chỉ cần xây dựng thể chế, thực hiện quản lý nhà nước, nắm các lĩnh vực trọng yếu, tránh làm thay và không nên nắm, xét duyệt những vấn đề quá cụ thể mà địa phương làm rất tốt, vì ở địa phương cấp tỉnh có cả cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, có các cơ quan chuyên môn sâu, trong khi đó các bộ, ngành không đủ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất dễ dẫn đến chậm trễ, kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ với nhau.

Nhân đây, tôi cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thành thật hợp tác với các tỉnh, thành, giữa các bộ, ngành cần kết nối, liên thông với nhau, giảm thời gian và thủ tục hành chính, xóa dần rào cản, tạo cơ hội cho địa phương và doanh nghiệp thực hiện nhanh các dự án và kịp thời khai thác lợi thế, tiềm năng của từng địa phương”, đại biểu Cao Đình Thưởng nói.

Theo đại biểu Cao Đình Thưởng, gần đây thiên tai và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường và đang trở thành thảm họa, do vậy Chính phủ và các địa phương cần rà soát lại thực trạng của những nguy cơ đang tiềm ẩn mất an toàn. Cần xây dựng hệ thống cảnh báo, nhất là ở những nơi có nguy cơ cao, có thể theo mùa ở từng vùng miền, không chỉ bão lũ mà còn môi trường nước, không khí thông qua hệ thống biển báo, thông tin của báo chí, qua mạng xã hội và công nghệ thông tin để giảm thiểu tới mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.

Phải chăng chúng ta cần tham khảo cách làm của Nhật Bản và các nước phát triển thường xuyên ứng phó bão lũ, động đất để thiên tai khi xảy ra, chúng ta đối phó một cách chủ động nhất”, đại biểu Cao Đình Thưởng nêu ý kiến.

Về một số vấn đề cả xã hội hết sức quan tâm liên quan đến giáo dục, đào tạo, đó là vấn đề giáo dục nghề nghiệp và sách giáo khoa, đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị Chính phủ và các địa phương có chính sách cụ thể, hiệu quả trong việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiệu quả trong phân luồng, đầu tư có trọng điểm thật hiện đại cho một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, khuyến nghề.

Hiện nay, chúng ta thấy rằng cả nước chúng ta chỉ nặng về khuyến học, khuyến tài, còn việc khuyến nghề ít được quan tâm, cho nên mảng này đang bị trống và không được khuyến khích một cách thỏa đáng”, đại biểu Cao Đình Thưởng nói.  

Đại biểu Cao Đình Thưởng đánh giá, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cố gắng, tích cực tiếp thu ý kiến đại biểu theo hướng cầu thị, song sách giáo khoa vẫn là vấn đề gây rất nhiều tranh cãi, bất an, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà trường, học sinh và phụ huynh. “Vấn đề đặt ra trước tình hình đó, chúng ta sẽ làm gì và phải làm gì để xử lý vấn đề này? Nhiều phụ huynh mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy biên soạn một bộ sách giáo khoa chuẩn vì sách giáo khoa là tài liệu dạy và học của quốc gia, phải thống nhất toàn quốc. Nếu mở rộng xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa như hiện nay sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy mà chúng ta không thể lường hết được”, đại biểu Cao Đình Thưởng nói.

Hồ Hương