Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã bổ sung chế định này, đây là cách tiếp cận có tính đột phá, và nếu triển khai tốt trên thực tế sẽ giúp giảm số lượng đầu vào của người nghiện ma túy, các nước trên thế giới cũng đang tập trung cho hướng này.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, về thuật ngữ "người sử dụng trái phép chất ma túy" và thuật ngữ "người nghiện ma túy", nhiều người cho rằng hai khái niệm này là đồng nhất. Tuy nhiên, theo ý kiến chính thức của các cơ quan chuyên môn, không phải cứ sử dụng ma túy một vài lần là thành người nghiện, đồng thời cũng sẽ không thể trả lời được chính xác câu hỏi là sử dụng ma túy bao nhiêu lần thì thành người nghiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.
Chính vì vậy, trên thực tế có những người sử dụng ma túy trong một thời gian khá dài nhưng chưa rơi vào tình trạng nghiện, chưa bị lệ thuộc vào ma túy. Bên cạnh đó có những người chỉ sử dụng ma túy vài lần đã thành người nghiện. Còn việc xét nghiệm một người cho kết quả dương tính với ma túy chỉ là cơ sở để kết luận người đó có sử dụng ma túy, chứ không phải là cơ sở để kết luận người đó nghiện ma túy.
“Việc phân biệt chính xác hai diện người này để có những biện pháp tương xứng về mặt pháp luật là rất cần thiết và rất quan trọng đối tượng nào thì biện pháp đó”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành chỉ quản lý đối với người nghiện, không quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, nếu người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị phát hiện thì chỉ bị xử phạt hành chính tối đa đến 1 triệu đồng theo Nghị định 167, sau đó không có bất cứ chế tài hay biện pháp quản lý nào. Sau này, nếu họ trở thành người nghiện rồi mới bị quản lý và thực hiện chương trình cai nghiện, quản lý sau cai nghiện. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nếu đã thành người nghiện thì không dễ cai, lúc đó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Theo nữ đại biểu Quốc hội Đoàn Bắc Kạn, trước năm 2009, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được quy định là một tội trong Bộ luật Hình sự và có tính răn đe khá cao. Tuy nhiên, sau khi có sự thay đổi trong nhận thức về hành vi này, coi người sử dụng trái phép chất ma túy là nạn nhân của tệ nạn ma túy thì Bộ luật Hình sự đã không quy định đây là tội danh, do đó đã dẫn đến việc gia tăng nhanh chóng người nghiện trong thời gian qua.
Mặc dù luật chưa giao quản lý, nhưng trong thực tế ở một số địa bàn phức tạp, công an xã, phường, thị trấn cũng đã phải mở sổ để theo dõi. Nhiều gia đình đã phải nhờ đến cảnh sát khu vực để gọi đối tượng lên để giáo dục, giúp đỡ. Tuy nhiên, vì chưa có luật giao quản lý, nên gặp rất nhiều khó khăn trong thực tiễn. Chính vì vậy, nếu luật giao quản lý sớm đối với người này sẽ giúp cho họ không trở thành người nghiện, sẽ giúp cứu vớt được nhiều con người và cứu vớt được nhiều gia đình không phải lâm vào cảnh bế tắc.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy chỉ rõ, dự thảo Luật đã bổ sung riêng một Chương IV để quy định việc quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và theo đó, giao cho Ủy ban nhân dân mà trực tiếp là Công an cấp xã có trách nhiệm thống kê toàn bộ số người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn và tiến hành tư vấn, giáo dục, động viên, giúp đỡ họ. Nếu người này chuyển địa bàn cư trú thì công an ở cấp xã có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ cho công an ở nơi mới đến, để tiếp tục quản lý và giúp đỡ họ.
Đại biểu cho rằng, trong điều kiện thực hiện chính quy công an xã và đã phủ kín trên phạm vi cả nước như hiện nay thì lực lượng này sẽ đảm đương tốt trách nhiệm mới được luật giao. Và đặc biệt, dự thảo Luật đã quy định bắt buộc phải tiến hành xét nghiệm ma túy 3 lần trong thời gian quản lý, và Nhà nước sẽ đảm bảo kinh phí cho khoản xét nghiệm này. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, đây là những biện pháp quản lý khá mạnh và nếu tổ chức triển khai tốt trên thực tế thì sẽ có hiệu quả cao.
Từ những vấn đề phân tích nêu trên, đại biểu tán thành với hướng đi của dự thảo là tập trung cho mục tiêu ngăn ngừa việc phát sinh thêm người nghiện ma túy, và đã cam thiệp sớm hơn bằng việc bổ sung chế định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
“Thực tiễn cũng đã cho thấy, đối với những người này, phải có những biện pháp quản lý từ sớm và chặt chẽ thì mới mang lại hiệu quả”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể hơn những quy định về quản lý giáo dục; động viên, giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy để thuận lợi cho tổ chức thi hành và cũng như để bảo đảm tính khả thi của quy định này. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng đề nghị bổ sung chế tài áp dụng trong trường hợp người này không chấp hành yêu cầu xét nghiệm ma túy.