ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI HOA GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY (SỬA ĐỔI)

04/02/2021

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng việc quy định thời gian quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy đủ 18 tuổi trở lên và người dưới 18 tuổi sẽ hạn chế quyền của người dưới 18 tuổi so với người đủ 18 tuổi trở lên.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá cao dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) lần này và cho rằng nội dung sửa đổi đã thể hiện được đúng quan điểm trong chiến lược phòng, chống ma túy mà nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam đang thực hiện. Đó là, phòng, chống ma túy dựa trên 3 trụ cột, giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.

Về trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống về ma túy thuộc công an nhân dân, Điều 12, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đồng tình với quan điểm giữ nguyên như luật hiện hành. Theo đó, quy định cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc công an nhân dân có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

Lý giải cho ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng chỉ nên sửa đổi những quy định khi mà trong quá trình triển khai thực hiện có vướng mắc. Nhưng trong báo cáo đánh giá tổng kết về triển khai thực hiện luật thì chưa chứng minh được vướng mắc trong quá trình phối hợp.

Đại biểu cho biết, trên thực tế ở một số địa bàn trọng yếu, ví dụ như các khu vực cửa khẩu, sân bay hay các đường biên giới hiện có một số các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, thuộc các lực lượng Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, đang cùng hoạt động trên một địa bàn, do vậy, công tác phối hợp rất cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhận định, việc phối hợp sẽ tạo nên sức mạnh, điều quan trọng là thực hiện việc phối hợp này như thế nào, và thực tế thời gian qua các lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy đã thực hiện phối hợp phá nhiều vụ án lớn.

Đại biểu nêu dẫn chứng, theo thống kê của cơ quan chức năng, hằng năm khoảng 75% các tội phạm hình sự có nguyên nhân bắt nguồn từ những người nghiện ma túy. Những vụ án mạng nghiêm trọng gần đây cho thấy đối với những đối tượng gây án là người nghiện ma túy thì bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân, bất cứ những hành vi tàn nhẫn nào cũng có thể diễn ra. Vấn đề đặt ra trong việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy ở cộng đồng làm còn nhiều bất cập.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá cao ban soạn thảo đã sửa đổi khái niệm quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy tại Điều 24, đồng thời cho rằng quy định như vậy đã được thể hiện theo hướng coi là biện pháp phòng ngừa, chứ không phải là biện pháp xử lý hành chính. Với cách nêu khái niệm này là cách tiếp cận dựa trên quyền con người, sẽ tạo ra cách nhìn nhân văn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu ý kiến, việc quy định thời gian quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy đủ 18 tuổi trở lên và người dưới 18 tuổi sẽ hạn chế quyền của người dưới 18 tuổi so với người đủ 18 tuổi trở lên.

Về trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức đối với việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy tại Điều 26: đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ, dự thảo luật quy định, gia đình khi phát hiện người thân có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy phải thông báo với công an cấp xã nơi cư trú, còn cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy có trách nhiệm thông báo với cơ quan công an gần nhất. Đại biểu băn khoăn về tính khả thi của quy định này, vì trên thực tế đây là khâu còn vướng mắc nhiều nhất, vì việc khai báo người thân trong gia đình sử dụng trái phép chất ma túy là điều không dễ. Luật có đưa ra nhưng không quy định cách thức thông báo như thế nào là hợp lệ. Việc báo với cơ quan công an cấp xã, liệu cơ quan công an cấp xã có đủ điều kiện và khả năng kiểm chứng đối với thông báo về hành vi có người sử dụng chất ma túy hay không.

Nếu không có những quy định thật rõ trong dự thảo luật lần này thì quy định này cũng chỉ mang tính hình thức, rất khó khả thi”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Theo đại biểu, dự thảo nội dung về cai nghiện ma túy đã được sửa đổi cơ bản toàn diện, bổ sung nhiều quy định mới, từ cách tiếp cận, coi nghiện ma túy là bệnh tâm thần đặc biệt và cần phải chữa trị công phu thì việc đưa ra khái niệm cai nghiện ma túy trong dự thảo luật lần này là điều rất cần thiết. Theo đó, cai nghiện ma túy được hiểu là quá trình thực hiện tổng thể các hoạt động hỗ trợ về tâm lý, xã hội, y tế, giúp cho người nghiện thay đổi nhận thức, hành vi và phục hồi thể chất, tinh thần nhằm giảm sử dụng ma túy và tác hại của ma túy, điều này được quy định ở khoản 17 Điều 3. Cách tiếp cận này, cơ bản từ góc độ quyền con người, đó là người nghiện ma túy được khuyến khích tự nguyện đăng kí lựa chọn hình thức cai nghiện, được hỗ trợ kinh phí cai nghiện, được các cơ sở cai nghiện bảo đảm chế độ học tập, lao động chữa bệnh và được tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

Tính nhân văn này là một trong những điểm nhấn của dự thảo luật lần này”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn về căn cứ quy định ở mức 6 tháng để cai nghiện ma túy, đồng thời cho rằng, quy định dựa trên thỏa thuận giữa người cai nghiện ma túy và gia đình người cai nghiện với cơ sở cai nghiện là chưa thuyết phục.

Hồ Hương