ĐBQH HOÀNG ĐỨC THẮNG CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY (SỬA ĐỔI)

15/02/2021

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi), đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị bày tỏ tán thành sự cần thiết sửa đổi bổ sung Luật, nhất là những nội dung mới, khẳng định bước tiến bộ, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị 36, Chỉ thị Trung ương của dự án luật trình Quốc hội kỳ này.

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, dự án luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, theo đó, nội dung luật được xác định theo các nhóm vấn đề lớn, như phòng, chống ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, trong thiết kế nội dung dự thảo ở các Điều 4, những hành vi bị nghiêm cấm; Điều 5, chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy chỉ mới đề cập đến vấn đề phòng, chống ma túy mà trước cập nhật nội dung cho vấn đề quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy là không phù hợp và logic với phạm vi điều chỉnh. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung theo hướng nhóm các nội dung có liên quan đến nội dung cấm và chính sách của nhà nước đã thiết kế rải rác ở một số điều là Điều 4 và Điều 5 này cho đầy đủ và thống nhất.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho biết, phòng, chống ma túy là nội dung cốt lõi của dự án này và hiện nay đang được thiết kế ở Chương II: Trách nhiệm phòng, chống ma túy, tuy nhiên theo đại biểu nên bỏ từ "trách nhiệm" ở tiêu đề Chương II và sửa lại thành: “Chương II: Phòng, chống ma túy”. Bởi vì trách nhiệm là nội dung về phân công nhiệm vụ thực hiện và do đó, nó chỉ là một nội dung trong nội dung lớn về phòng, chống ma túy.  

Đồng thời, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng cần thiết kế đầy đủ hơn nội dung của chương này, chẳng hạn: nội dung phòng ma túy là gì? Phòng như thế nào? Chống ma túy là gì? Chống ra sao? Ai phòng, ai chống? Địa bàn, không gian, biện pháp được pháp luật cho phép trong kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống tấn công tội phạm ma túy là thế nào? Lực lượng điều kiện đảm bảo và chính sách cho phòng, chống ma túy ra sao? Hay nói cách khác nội dung về phòng, chống ma túy phải được làm rõ, cụ thể hơn, trong đó cần xác định nội dung về phòng ngừa xã hội, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, tổ chức, cá nhân đối với việc phòng ngừa, chủ động ngăn chặn ma túy trên một quan điểm lấy phòng ngừa xã hội làm chính, là biện pháp cơ bản trên hết và trước hết. Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, nội dung này chưa được đề cập rõ trong dự thảo luật, vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung làm rõ, đầy đủ.  

Đồng thời, cần rà soát, xem xét nội dung về trách nhiệm phòng, chống ma túy tại các Điều 6,7, 8, 9, 10, 12 với nội dung phân công trách nhiệm ở Chương VI: Quản lý nhà nước về phòng, chống, ma túy cho phù hợp, tránh trùng lặp.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh, công cuộc phòng, chống ma túy là cuộc chiến hết sức phức tạp, cam go và đầy rủi ro cho lực lượng chuyên trách. Phòng, chống ma túy là sự nghiệp toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng chuyên trách là nòng cốt, có vai trò, vị trí hết sức quan trọng. Vì vậy, dự án luật nhất thiết phải tạo hành lang pháp lý, chế tài, chính sách đủ mạnh để xây dựng lực lượng chuyên trách mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn. Chính sách động viên tốt hơn để cán bộ, chiến sĩ lực lượng tin tưởng, an tâm, phấn khởi để dấn thân cho sự nghiệp khó khăn và cao cả này. Vì thế, đại biểu đề nghị cần thiết nên xây dựng thành một chương lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy mới tương xứng chứ không chỉ quy định đơn giản, hạn hẹp trong một điều như trong dự thảo. Theo đó, thiết kế nội dung này theo hướng định vị rõ địa vị pháp lý, định danh thống nhất lực lượng hay cơ quan chuyên trách, tổ chức bộ máy chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ chế phối hợp, điều kiện bảo đảm và chính sách cho lực lượng này phải hết sức cụ thể.

Trong thực tiễn, các lực lượng công an, biên phòng, cảnh sát biển, hải quan là những lực lượng chuyên trách, xung kích trên mặt trận phòng, chống ma túy. Vì vậy, cần quy định thật rõ về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mỗi lực lượng. Quy định rõ việc phân công vai trò chủ trì, cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, quy định các biện pháp nghiệp vụ được pháp luật cho phép trong thực thi pháp luật, bảo đảm có hành lang pháp lý thuận lợi để phát huy tốt nhất sức mạnh, năng lực của cả lực lượng, phương tiện, công cụ trong đấu tranh phòng, chống, ngăn ngừa, ngăn chặn, trấn áp tội phạm ma túy của các lực lượng chuyên trách này.

Có thể nói, đây là những nội dung hết sức cơ bản phải được thiết kế đầy đủ trong dự thảo luật”, đại biểu Hoàng Đức Thắng khẳng định.

Về Chương VI, quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy và Chương VII về hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thiết kế nội dung về trách nhiệm quản lý nhà nước cũng như hợp tác quốc tế phải đảm bảo bao hàm các lĩnh vực phòng, chống ma túy, về quản lý, sử dụng trái phép chất ma túy và về cai nghiệm chất ma túy.

Tại khoản 2 Điều 51, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị bổ sung điều chỉnh và diễn đạt là như sau: "Chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan, lực lượng chức năng để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tại địa bàn theo quy định của khoản 1 điều này và các quy định khác của pháp luật có liên quan".

Hồ Hương