ĐBQH MA THỊ THÚY ĐỀ XUẤT THIẾT KẾ MỘT CHƯƠNG VỀ TUYÊN TRUYỀN, PHÒNG, CHỐNG MA TÚY

08/02/2021

Nhấn mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền trong phòng, chống ma túy và tội phạm ma túy, đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã đề xuất thiết kế một chương về tuyên truyền, phòng, chống ma túy, quy định rõ nội dung, cách thức tuyên truyền gắn với từng đối tượng trong xã hội.

Thực tế công tác phòng chống ma túy thời gian qua cho thấy nhận thức là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng phần lớn tới việc gia tăng hay giảm số các vụ việc có liên quan đến ma túy. Đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh, căn cốt nhất vẫn là công tác tuyên truyền, để tất cả mọi người đều nhận thức được sự nguy hiểm từ ma túy. 

Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.

Trong thời gian vừa qua, công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy và tội phạm ma túy, đặc biệt tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên luôn được Chính phủ, bộ, ngành quan tâm và đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức của cộng đồng xã hội về các tác hại của tệ nạn ma túy đã có những chuyển biến tích cực. Đồng thời, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương được nâng cao trong việc tham gia đấu tranh bài trừ tệ nạn ma túy, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu hiểm họa do tệ nạn ma túy gây ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng, chống ma túy còn tồn tại nhiều hạn chế, như tài liệu tuyên truyền về giáo dục còn cũ, chưa phong phú, nội dung, biện pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục chưa sáng tạo, thiếu sức thu hút, chưa tạo được động lực mạnh mẽ về thay đổi nhận thức, tác động đến hành vi của mỗi người.

Đại biểu Ma Thị Thúy dẫn chứng, thực tế hiện nay có rất nhiều loại ma túy tổng hợp mới xuất hiện, được sản xuất trá hình dưới nhiều dạng hình thức, với nhiều tên gọi khác nhau. Trong khi đó, các mẫu ma túy đưa vào giáo dục, tuyên truyền còn thiếu. Sau nhiều năm có các mẫu ma túy mới không được cập nhật, bổ sung. Hoạt động truyền thông phòng, chống ma túy trong khối trường học còn mờ nhạt, chưa được quan tâm đúng mức, nội dung tuyên truyền còn hạn chế, chưa tính đến đặc điểm tâm, sinh lý của từng lứa tuổi, các đối tượng khác nhau mà vẫn rập khuôn, cứng nhắc như nhau cho mọi đối tượng. Do vậy, việc tham gia của học sinh, sinh viên còn hạn chế. Nhiều khi vẫn mang tính ép buộc, thiếu sự tự nguyện.

Theo báo cáo của Chính phủ, số người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm vừa qua ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp. Hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít, tiêm chích sang uống ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần. Điều đó cho thấy hiệu quả của các hoạt động phòng ngừa chưa cao, nhất là công tác tuyên truyền đặt nhiệm vụ cho việc sửa đổi luật lần này phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để phòng ngừa.

Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng trong thực tế, rất khó đánh giá được trách nhiệm trong việc tuyên truyền về phòng, chống ma túy. Có một số địa bàn và một số nơi coi công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy chỉ riêng của lực lượng công an. Sự phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách với các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội chưa đồng bộ, thường xuyên, chưa đánh giá được hiệu quả của từng hình thức tuyên truyền để tổ chức rút kinh nghiệm, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Nếu coi đây là hiểm họa cần phải phòng ngừa để không phát sinh người nghiện thì cần quan tâm về nội dung, cách thức và nguồn lực cũng như phân rõ trách nhiệm của các chủ thể ngay trong luật, gắn với chế tài chứ không chỉ là chương trình hành động hay là kế hoạch hàng năm”, đại biểu Ma Thị Thúy nêu ý kiến, đồng thời đề xuất thiết kế một chương về tuyên truyền, phòng, chống ma túy, hoặc nếu vẫn thiết kế cho từng chủ thể, như các điều trong luật được thể hiện tại Chương II, cần nêu rõ trách nhiệm của các chủ thể đó đối với nhiệm vụ tuyên truyền, trong đó quy định rõ nội dung, cách thức tuyên truyền gắn với chủ thể tuyên truyền với từng đối tượng trong xã hội, như học sinh, sinh viên, đối tượng là thanh niên, thiếu niên, các cơ quan, trường học, ở các lớp học, doanh nghiệp tại vùng nông thôn. 

Về tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên, quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên tham gia tội phạm về tệ nạn ma túy, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Ban soạn thảo xác định cụ thể nội dung nào về tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy, phương thức, thủ đoạn lôi kéo học sinh vào con đường ma túy, để từ đó biết cách phòng tránh.

Có nên chăng quy định trong chương trình tuyên truyền, giáo dục pháp luật phải có nội dung về phòng, chống ma túy hay không? Nên đưa nội dung truyền thông phòng, chống ma túy vào chương trình học bắt buộc cho học sinh, sinh viên, giáo viên ở các lớp học”, đại biểu Ma Thị Thúy nói.

Riêng với trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp quy định tại điều 7 có 3 khoản đã có nhưng còn chung chung, không rõ ràng đối với từng đối tượng. Do đó, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị đối với Mặt trận Tổ quốc và từng Tổ chức chính trị - xã hội, phải thiết kế tách mỗi tổ chức thành một khoản riêng. Bởi mỗi tổ chức có thành viên, hội viên, đoàn viên riêng, đặc biệt là tổ chức Đoàn thanh niên, vì tình hình nghiện ma túy ở lứa tuổi trẻ hiện nay là hết sức đáng lo ngại. Cần tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền tác hại của ma túy đối với các hội viên, đoàn viên, công nhân, người lao động. Công tác tuyên truyền phải được giao nhiệm vụ cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ, được quy định ngay trong luật thì mới thực sự có hiệu quả.

Về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, tại điểm a khoản 1, điều 12, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị bổ sung quy định phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin kịp thời cho nhân dân biết về các loại ma túy dạng mới hoặc được thể hiện với các hình thức mới để nhân dân biết, cảnh giác, phòng tránh. Bởi vì, thực tế hiện nay, người dân không thể biết hết được ma túy được thể hiện dưới những hình thức nào, dưới dạng bột, viên hay ở dạng lỏng, nước, dạng khí. Do đó, cần phải thông tin để mọi người dân nhận dạng được các loại ma túy đang tồn tại là điều rất cần thiết, và quy định ngay trong luật.

Hồ Hương