ĐBQH ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ CHẤT VẤN THANH TRA CHÍNH PHỦ VỀ TÌNH TRẠNG GÂY NHŨNG NHIỄU, PHIỀN HÀ TRONG GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

23/02/2021

Trong phiên chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đã chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn tại Quốc hội 

Trả lời câu hỏi về tình trạng công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, trách nhiệm để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà người dân, doanh nghiệp trực tiếp là người đứng đầu cơ quan, đơn vị;  tình trạng gây nhũng nhiễu nhiều nhất ở những lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với người dân, cán bộ, công chức thiếu rèn luyện. Trước thực trạng đó, Thanh tra Chính phủ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về giảm và chống gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, DN vào tháng 4/2019; tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai chỉ thị này nhằm chấn chỉnh tình trạng nhũng nhiễu; sau 1 năm thực hiện Chỉ thị này, Thanh tra Chính phủ đã có sơ kết và sau đó đã tham mưu Thủ tướng ra công điện về phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vưc công vụ. Theo Tổng thanh tra Chính phủ, hai văn bản này có ý nghĩa rất lớn trong việc chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu.

Đồng tình và đánh giá cao nội dung trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng này là chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của tham nhũng và đặc biệt người dân phải có ý thức không chấp nhận sống chung với tham nhũng và không chấp nhận tham gia vào tham nhũng. Chỉ có như vậy, mới ngăn chặn được tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp một cách triệt để.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Phóng viên: Thưa đại biểu, hiện nay vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết công việc của người dân. Vậy, qua thực tiễn tiếp xúc cử tri, tình trạng này được phản ánh như thế nào?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Qua tiếp xúc cử tri, cử tri có phản ánh vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ công chức trong thực hiện công vụ. Hiện tượng này vẫn còn tồn tại ở một số nơi và vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp gây bức xúc và giảm sút niềm tin của người dân. Một số cán bộ công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng địa vị; những kẽ hở trong cơ chế, chính sách pháp luật; lợi dụng niềm tin, sự thiếu hiểu biết của người dân để làm những việc không công bằng, không khách quan, không đúng với quy định của pháp luật và gây phiền hà thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, tôi đã chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về nội dung này.

Phóng viên: Đại biểu đã đặt vấn đề chất vấn Thanh tra Chính phủ về thực trạng này. Vậy, nội dung trả lời của Thanh tra Chính phủ có đáp ứng yêu cầu của đại biểu nêu ra?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Tôi cơ bản đồng tình với nội dung trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ. Phần trả lời đã đáp ứng được yêu cầu nội dung tôi đã đặt ra. Tổng Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định đây là vấn đề đã xảy ra và tồn tại trong nhiều năm trở lại đây.  Tình trạng này cũng đã được Chính phủ nói riêng và Nhà nước ta nói chung nhận diện và có sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng nhằm ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu người dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong phần trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh nhiều giải pháp quan trọng để ngăn chặn thực trạng bất cập này.

Phóng viên: Đại biểu có đồng tình với những giải pháp Thanh tra Chính phủ đưa ra nhằm khắc phục tình trạng này?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Giải pháp Tổng Thanh tra Chính phủ đưa ra tôi cũng rất đồng tình đặc biệt là giải pháp kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra Chính phủ còn đưa ra 3 nhóm giải pháp khác gồm: Tuyên truyền, phổ biến,  giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhung; Đẩy mạnh thanh tra, giám sát xử lý hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp;…. Ngoài ra, cá nhân tôi cho rằng, một trong những giải pháp cũng rất quan trọng để ngăn chặn tình trạng này đó là chúng ta phải chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của tham nhũng và đặc biệt người dân phải có ý thức không chấp nhận sống chung với tham nhũng và không chấp nhận tham gia vào tham nhũng. Chỉ có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp một cách triệt để.

Phóng viên: Hiện nay, vấn đề công khai, minh bạch trong các thủ tục hành chính đang được chú trọng thực hiện. Vậy, theo quan điểm của đại biểu, liệu đây có phải là một trong những giải pháp trọng tâm góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiều, phiền hà cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội:  Quan hệ hành chính giữa nhà nước với người dân, tổ chức và doanh nghiệp diễn ra thông qua quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Vì vậy, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính không những chỉ ban hành những thủ tục hành chính thực sự cần thiết theo hướng tinh giảm mà còn gắn với kết quả cải cách đem lại cho người dân, doanh nghiệp thông qua quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính, mức độ công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính. Do đó, vấn đề thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính là vô cùng quan trọng và cần thiết. Trong đó, chú trọng công khai các thủ tục hành chính công, các dự án, quy hoạch; đổi mới quy trình, thủ tục giao dịch trong giải quyết công việc với công dân và doanh nghiệp. Đây là giải pháp mang tính đột phá trong phòng chống tham nhũng nói chung và tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, nếu tất cả hoạt động công vụ, tất cả hoạt động liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được thực hiện qua hệ thống điện tử sẽ giảm thiểu và tiến tới là xóa bỏ tình trạng tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ công chức với người dân thì đó là 1 giải pháp rất là mạnh mẽ trong việc ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

 

Lê Anh