ĐBQH NGUYỄN THANH QUANG: CẦN THỐNG NHẤT ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRÊN CẢ NƯỚC THEO ĐÚNG HỆ THỐNG 4 CẤP HOÀN THIỆN

18/03/2021

Bày tỏ nhiều trăn trở, tâm tư của cử tri về vấn đề đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ cơ sở, công chức cấp xã, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Quang, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đề nghị cần thống nhất đội ngũ cán bộ, công chức trên cả nước theo đúng hệ thống 4 cấp hoàn thiện.

Đai biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Quang, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng phát biểu tại phiên họp

Tham gia ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Quang, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng bày tỏ nhiều trăn trở, tâm tư của cử tri về vấn đề đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ cơ sở, công chức cấp xã, một lực lượng đã có dấu ấn lớn và được nhân dân ghi nhận đặc biệt trong thời gian dịch bệnh, bão lụt, thiên tai ở nhiều địa phương.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Quang, áp lực công việc đặt lên lực lượng này là rất lớn, trong khi số lượng cán bộ, công chức thì ít, không đủ người làm việc để phục vụ tốt nhất cho nhân dân. Theo định biên chung hiện nay, cán bộ, công chức và không chuyên trách ở phường loại 1 là 36 người, phường loại 2 là 32 người. Mỗi một công chức đều có những nội dung công việc cụ thể. Khi liệt kê nhiệm vụ thì thấy đơn giản nhưng trong thực tế thực hiện thì thấy rất nhiều bất cập. Ví dụ, về vị trí công chức tư pháp hộ tịch, theo Thông tư số 13 của Bộ Nội vụ thì công chức tư pháp hộ tịch ở cấp xã loại 1 được phân công 2 người, thực hiện 12 nhiệm vụ chính thức quan trọng và hàng chục nhiệm vụ không tên khác mà họ phải tham gia, như đứng điểm tổ dân phố, tham gia phong trào Chủ nhật xanh - sạch đẹp, phòng, chống dịch bệnh, vận động di dời, giải tỏa v.v.. Trong đó, riêng 2 nhiệm vụ là công tác hộ tịch và chứng thực thì bắt buộc phải trực tiếp tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa. Thống kê năm 2019, ở một phường thuộc thành phố Đà Nẵng, đã tiếp nhận 14.531 hồ sơ, trong đó chứng thực 13.080 hồ sơ, hộ tịch 1.090 hồ sơ. Nếu tính để giải quyết dứt điểm một hồ sơ, quy đổi về thời gian kể từ khi tiếp nhận, kiểm tra các giấy tờ cần thiết, đối chiếu văn bản liên quan, soạn thảo nội dung, trình lãnh đạo ký và trả lại người dân mất 15 phút. Để giải quyết hơn 14.000 hồ sơ này, 2 công chức tư pháp hộ tịch mỗi người mỗi ngày phải mất hơn 7 giờ 20 phút làm việc để thực hiện nhiệm vụ này. Như vậy, còn 10 nhiệm vụ có tên và hàng chục nhiệm vụ không tên khác, rất khó để hoàn thành tốt. Tương tự, những vị trí, công chức khác, công việc cũng như vậy. Những nhiệm vụ trên là không kể đến mỗi kỳ họp Quốc hội, Quốc hội ban hành hàng chục luật, nghị quyết với hàng chục nghị định hướng dẫn thi hành, theo đó số lượng các nhiệm vụ được giao trong các luật, nghị quyết cho các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cấp xã mỗi ngày lại càng tăng lên.

Bên cạnh áp lực công việc, lực lượng này còn phải chịu áp lực xã hội. Trong thời điểm phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hầu như đa số người dân đều có điện thoại di động, có chức năng ghi hình, ghi âm và đa số người dân có sử dụng mạng xã hội. Nên mỗi một cán bộ công chức, nếu trong quá trình thực thi công vụ có sai sót thì lập tức bị cả xã hội gây áp lực cho bản thân và gia đình. Rõ ràng mỗi một con người khi sống và làm việc không thể lúc nào cũng hoàn thiện, cũng có lúc, có nơi, có thời điểm họ chưa hoàn thiện. Đại biểu Nguyễn Thanh Quang cho rằng xã hội, cấp trên cần có cái nhìn thấu hiểu, động viên và chia sẻ.

Thứ ba, lực lượng này còn phải gánh áp lực về tâm lý. Theo Luật Cán bộ, công chức, Cán bộ và công chức chỉ được xác định đến cấp huyện. Cán bộ công chức cấp xã có quy định riêng về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách. Điều đó ít nhiều gây khó khăn trong công tác điều động, luân chuyển liên thông giữa các cấp, ảnh hưởng nhiều đến hướng phát triển trong tương lai, đến sự nỗ lực phấn đấu của bản thân cán bộ, công chức.

Thứ tư, vấn đề người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Đây cũng là những người làm việc trong hệ thống chính trị, trong bộ máy nhà nước, trong chính quyền cấp xã. Theo Nghị định 34 của Chính phủ chức danh người hoạt động không chuyên trách, không kể người công tác trong khối Đảng, đoàn thể, thì ở khối chính quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đó là Chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự phụ trách công tác xã hội, phụ trách công tác văn hóa, thể thao, phụ trách công tác văn thư, lưu trữ và thủ quỹ, phụ trách công tác Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và tiếp công dân. Những người hoạt động không chuyên trách mà hằng ngày làm việc về thời gian, công việc như những cán bộ, công chức khác nhưng không được gọi là cán bộ, công chức, không có lương, chỉ có phụ cấp dưới 2 triệu đồng/1 tháng. Mức thu nhập như vậy không đủ để đảm bảo cuộc sống của bản thân chứ chưa nói là giúp đỡ gia đình, không đủ để họ có thể an tâm công tác, làm tốt nhiệm vụ được giao.

Từ những tâm tư, trăn trở của cán bộ cơ sở, đại biểu Nguyễn Thanh Quang đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét căn cứ nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể bố trí đủ số lượng cán bộ, công chức cấp xã để họ có thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ phục vụ nhân dân. Thống nhất đội ngũ cán bộ, công chức trên cả nước theo đúng hệ thống 4 cấp hoàn thiện. Chính quyền 4 cấp thì công chức 4 cấp, từ trung ương đến xã, phường và liên thông, thống nhất không cắt khúc. Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cơ sở có tiêu chuẩn, vị trí việc làm và chế độ, chính sách thống nhất, đồng bộ phù hợp tính chất, mức độ công việc chuyên môn./.

Minh Hùng