ĐBQH ĐỒNG NGỌC BA: CẦN THÊM GIẢI PHÁP ĐỂ HIẾN PHÁP, LUẬT, NGHỊ QUYẾT THỰC SỰ PHÁT HUY HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ

13/09/2021

Tại Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về Tình hình thi hành Hiến pháp, luật, Nghị quyết. Trước đó, Báo cáo của Chính phủ đã được Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giao Nhóm nghiên cứu chuyên sâu chuẩn bị ý kiến thẩm tra sơ bộ...

Tại Phiên họp thứ 3, khai mạc vào ngày 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về Tình hình thi hành Hiến pháp, luật, Nghị quyết số 67/2013/QH13 về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành năm 2021.

Trước đó, Báo cáo của Chính phủ đã được Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giao Nhóm nghiên cứu chuyên sâu chuẩn bị ý kiến thẩm tra sơ bộ. Về những thông tin đáng chú ý trong Báo cáo quan trọng này, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phỏng vấn đại biểu Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thành viên Nhóm nghiên cứu:

Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Phóng viên: Thưa ông! Nhóm nghiên cứu đã tiếp cận Báo cáo của Chính phủ về Tình hình thi hành Hiến pháp, luật, Nghị quyết số 67/2013/QH13 về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành năm 2021 từ rất sớm, vậy ông đánh giá như thế nào về Bản báo cáo cũng như những kết quả nổi bật trong tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian qua?

Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Tham gia thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về Tình hình thi hành Hiến pháp, luật, Nghị quyết số 67/2013/QH13 về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành năm 2021, tôi thấy Báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, phản ánh tương đối sâu sắc nhiều nội dung về tình hình thi hành Hiến pháp cũng như công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm vừa qua (số liệu từ ngày 01/10/2020 đến ngày 26/8/2021).

Qua đó cho thấy, năm qua mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quan tâm, đồng hành, lãnh đạo sát sao của Quốc hội, sự chủ động, quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, công tác thi hành Hiến pháp, pháp luật đã đạt những kết quả tích cực:

Công tác xây dựng pháp luật năm qua tiếp tục có đổi mới, bảo đảm văn bản quy phạm pháp luật phúc đáp yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với Hiến pháp và thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng; Quốc hội đã thông qua một số đạo luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú năm 2020; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Biên phòng Việt Nam...

Các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết nhìn chung có chất lượng tốt, giúp đưa luật, nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện khâu đột phá chiến lược về thể chế, giúp thiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác tổ chức thi hành pháp luật ngày càng được coi trọng, góp phần đưa tinh thần và nội dung Hiến pháp tiếp tục “thấm” sâu vào đời sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả. Công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật chú trọng tạo đồng thuận xã hội, huy động Nhân dân tham gia xây dựng pháp luật. Công tác “hậu kiểm” văn bản tiếp tục đặt trọng tâm vào các lĩnh vực có tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như thương mại, đất đai, xây dựng, văn bản liên quan đến kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính...; phát hiện và có phương án xử lý kịp thời nhiều quy định không phù hợp,  giúp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đổi mới sáng tạo; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, đồng thời nâng cao nhận thức của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc chấp hành kỷ luật ban hành văn bản.

Phóng viên: Trong công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, còn có những khó khăn, bất cập lớn nào; có vấn đề nào mà Báo cáo đã chỉ ra song chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục thưa ông?

Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Báo cáo đã chỉ rõ một số hạn chế trong tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật thời gian qua như một số trường hợp triển khai thi hành, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành một số luật, pháp lệnh chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; số văn bản chậm ban hành hiện vẫn còn 08 văn bản; việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong một số lĩnh vực còn kém quả. Báo cáo cũng đã chỉ ra nguyên nhân của thực tế này, nổi lên là  tác động của đại dịch Covid-19; nhận thức, ý thức trách nhiệm, kể cả của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa cao; nguồn lực, kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu...

Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu thấy rằng, cần đánh giá sâu thêm một số vấn đề như: việc tổ chức triển khai thực hiện các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua trong năm 2020 – 2021; một số văn bản có nội dung không phù hợp đã được cơ quan giám sát văn bản phát hiện, kiến nghị nhưng chưa được xử lý; một số luật, pháp lệnh đã ban hành và tổ chức thực hiện từ lâu nhưng chưa được sơ kết, tổng kết để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới; sự gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực chưa hiệu quả; cơ chế tự kiểm tra văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành còn chưa đầy đủ; việc ứng phó với tình hình dịch COVID-19 ở một số địa phương còn lúng túng, chưa kịp thời, chưa thống nhất; tình trạng thực thi pháp luật chưa nghiêm còn xảy ra ở một số lĩnh vực như quy hoạch, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công...

Một số hạn chế đã được chỉ ra từ nhiều năm nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục triệt để, nổi lên như: tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn còn (55 văn bản ban hành chậm, chiếm 60,44% số văn bản quy định chi tiết đã ban hành trong ký báo cáo; có văn bản chậm 01 năm 05 tháng); việc xem xét xử lý trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu cơ quan để xảy ra chậm trễ trong triển khai thi hành, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết cũng như trong việc ban hành văn bản có quy định trái pháp luật chưa thực sự nghiêm minh; năng lực một bộ phận công chức làm công tác xây dựng pháp luât chưa ngang tầm nhiệm vụ; kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế...

Phóng viên: Nhóm nghiên cứu đã có những kiến nghị, đề xuất gì để khắc phục hạn chế, bất cập hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành Hiến pháp, luật và Nghị quyết số 67/2013/QH13 trong thời gian tới?

Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Báo cáo của Chính phủ đã đề ra 04 nhóm nhiệm vụ, 06 nhóm giải pháp cụ thể, trong đó tiếp tục xác định việc triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; chú trọng hơn nữa việc xây dựng, ban hành các luật để cụ thể hóa đầy đủ, chính xác các quy định của Hiến pháp; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Hiến pháp, pháp luật; gắn kết chặt chẽ xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường “hậu kiểm” để phát hiện, kịp thời xử lý các vướng mắc, khó khăn, các quy định không phù hợp, cản trở phát triển vv…

Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu thấy rằng, trong thời gian tới Chính phủ cần chú trọng thêm một số việc như: cần khẩn trương ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết thi hành và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực thi nghiêm túc, hiệu quả 05 luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022; nghiên cứu, chuẩn bị có chất lượng 10 dự án luật, pháp lệnh còn lại trong Danh mục kèm theo Nghị quyết số 718 năm 2014 của Quốc hội ban hành Kế hoạch thi hành Hiến pháp năm 2013; tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản, kiểm soát thủ tục hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; khẩn trương xử lý các văn bản có nội dung chưa phù hợp đã được nêu tại Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; khẩn trương rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám, chữa bệnh để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu tại Nghị quyết số 30/2021/QH15; nghiên cứu, tổng kết, đề xuất giải pháp hiệu quả tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật, nhất là về năng lực dự báo, phản ứng chính sách, pháp luật kịp thời với sự thay đổi của thực tiễn, có tầm nhìn dài hạn; có giải pháp cụ thể bảo đảm bố trí kịp thời, đầy đủ kinh phí cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Nhóm nghiên cứu cũng thấy rằng: quy định hiện nay về phạm vi nội dung báo cáo, tiêu chí đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết và quy trình, thủ tục xem xét Báo cáo của Chính phủ hằng năm về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng. Do vậy, Nhóm nghiên cứu đã đề xuất Thường trực Ủy ban Pháp luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chỉ đạo việc tổng kết, nghiên cứu, có giải pháp cụ thể để khắc phục vấn đề này.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thu Quỳnh