Khẳng định Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội là sự khởi đầu tốt đẹp cho nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Đại biểu Quốc hội các Khóa IX, XII, XIII, TS.Trần Du Lịch cho rằng, tọa đàm là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý bày tỏ quan điểm độc lập, chuyên sâu, khách quan, thêm thông tin cho Quốc hội trong việc xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền. Tọa đàm còn là sự lắng nghe, trọng thị của Quốc hội đối với ý kiến các chuyên gia, quy tụ trí tuệ vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Thể hiện sự lắng nghe, trọng thị của Quốc hội với đội ngũ chuyên gia
- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội vừa diễn ra đầu tuần này?
- Là tọa đàm tham vấn chuyên gia đầu tiên được tổ chức trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, tôi cho rằng đây là sự khởi đầu tốt, là chủ trương đúng đắn, rất đáng hoan nghênh. Diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19, dù tổ chức theo hình thức trực tuyến, tọa đàm đã thu hút sự tham gia của gần 100 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực và các chuyên gia đến từ nhiều tổ chức quốc tế đóng góp ý kiến về các chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Đây còn là cơ hội cho các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý bày tỏ quan điểm độc lập, chuyên sâu, khách quan, hiến kế cho Quốc hội trong việc xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền, đặc biệt là giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tọa đàm làm tôi nhớ lại Diễn đàn kinh tế mùa xuân, Diễn đàn kinh tế mùa thu được Ủy ban Kinh tế, Quốc hội Khóa XII khởi động và tổ chức trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Diễn đàn đã đúc kết các giải pháp chính, cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội làm cơ sở nghiên cứu, tham khảo, thảo luận các vấn đề kinh tế, xã hội và quyết định chính sách tại Quốc hội. Với tọa đàm tham vấn chuyên gia lần này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, các ý kiến sẽ được các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình thẩm tra, xem xét, quyết định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đó là sự lắng nghe, trọng thị của Quốc hội đối với ý kiến của các chuyên gia, quy tụ trí tuệ vì sự phát triển bền vững của đất nước.
- Như ông chia sẻ, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, Ủy ban Kinh tế đã có sáng kiến tổ chức các Diễn đàn kinh tế mùa xuân, mùa thu. Lần này, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Diễn đàn kinh tế - xã hội thường niên. Ông nhận định như thế nào về quyết định này?
- Tại các Diễn đàn kinh tế mùa xuân, Diễn đàn kinh tế mùa thu khi ấy đều đặt ra những vấn đề sát sườn, phù hợp với bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội ở thời điểm đó, khuyến khích các chuyên gia đề xuất các giải pháp, kiến nghị, hình thành một kênh tiếp thu ý kiến phản biện của chuyên gia một cách thường xuyên, liên tục.
Đơn cử, từ cuối năm 2007, những ý tưởng đầu tiên về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đã được các chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội đưa ra. Tiếp sau đó, từ năm 2008 đến năm 2010, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội tiếp tục khuyến nghị về việc Chính phủ trình Quốc hội một Đề án về tái cơ cấu nền kinh tế để Quốc hội thảo luận, quyết định và triển khai thực hiện càng sớm, càng tốt. Đến năm 2012, Diễn đàn kinh tế mùa xuân, với chủ đề "Kinh tế Việt Nam năm 2012: Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế" đã được đặt ra để các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cùng thảo luận. Năm 2013, Diễn đàn kinh tế mùa xuân với chủ đề là "Tái cơ cấu kinh tế - một năm nhìn lại" cũng được tổ chức...
Hiện nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các chuyên gia khuyến cáo nguy cơ suy giảm tăng trưởng trong dài hạn, tức là nền kinh tế nước ta tiếp tục đối mặt với những khó khăn, trở ngại phải vượt qua. Điều này đặt ra yêu cầu phải huy động trí tuệ của đội ngũ chuyên gia. Nếu như ở nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII, thời điểm xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có rất nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, thì lần này cũng vậy, dự kiến, Diễn đàn kinh tế - xã hội thường niên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức (trong quý I.2022, với chủ đề Phục hồi kinh tế sau đại dịch) chắc chắn cũng sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về xu hướng phát triển của thế giới, kinh tế thế giới, kinh tế trong nước và sự thích ứng với Covid-19 nhằm đề xuất, đưa ra được phương án tối ưu nhất.
Hỗ trợ để doanh nghiệp vực dậy, tính giải pháp mở cửa nền kinh tế
- Có lẽ sự cần thiết và hiệu quả của việc tổ chức Diễn đàn kinh tế - xã hội thì ai cũng nhìn thấy rõ. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về vai trò, ý nghĩa của Diễn đàn kinh tế - xã hội với quy mô và tầm mức cao hơn, thay vì cấp Ủy ban như trước đây?
- Như Chủ tịch Quốc hội nhận định, thành công của Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội không chỉ ở tinh thần trách nhiệm, khát khao cống hiến của các chuyên gia đối với Quốc hội, mà còn mở ra "mạng lưới sáng kiến" của Quốc hội. Tôi cho rằng, chủ trương nâng tầm diễn đàn sẽ tạo cơ hội để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, chất lượng của các chuyên gia đầu ngành thuộc mọi lĩnh vực, từ đó chắt lọc ra những ý kiến có lợi cho đất nước. Thậm chí, chúng ta cũng khuyến khích cả những đóng góp mới, mang tính phản biện chính sách, xây dựng, đa chiều để có cái nhìn tổng thể hơn.
- Tới đây, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV sẽ xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022. Ở góc độ chuyên gia, ông có khuyến nghị gì?
- Tôi cho rằng có 3 vấn đề lớn cần được đặt ra. Thứ nhất, phải củng cố cho được những nhân tố ổn định kinh tế vĩ mô mà nước ta đã có thành quả. Ví dụ, liên quan đến vấn đề tài chính, ngân sách, nợ công, tỷ giá hối đoái, giá trị đồng tiền Việt Nam, nợ xấu… Những vấn đề, chính sách vướng mắc trong thời kỳ trước đây chúng ta đã vượt qua, củng cố được, thì phải giữ cho được chính sách đó. Nếu không giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tạo được niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, thì sẽ rất khó cho các chính sách khác.
Thứ hai, hỗ trợ để doanh nghiệp vực dậy. Chúng ta không hỗ trợ cào bằng, mà chú ý ở những ngành, những lĩnh vực “gãy đổ” lớn, phải tiếp sức. Ví dụ như du lịch, một trong những ngành rất mạnh, hiện chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết 08 - NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vừa qua, du lịch bị tác động, ảnh hưởng rất nặng nề. Hay việc toàn bộ chuỗi sản xuất kinh doanh bị đứt gãy. Đáng lưu ý, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III.2021 của Việt Nam ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay, cho thấy sự tác động rất lớn của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế.
Thứ ba, bảo đảm an sinh xã hội. Dù Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều quyết sách về vấn đề này, nhưng thời gian tới, ổn định an sinh xã hội vẫn là vấn đề trọng tâm.
Bên cạnh đó, Quốc hội cần tiếp tục tháo gỡ bất cập, thể chế liên quan đến đầu tư, sự chồng chéo trong các luật hiện hành, những khó khăn về thủ tục để tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp vực dậy, không để thủ tục hành chính làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Khi bàn đến sự phục hồi của doanh nghiệp cũng phải tính đến các giải pháp mở cửa nền kinh tế. Đơn cử, mở cửa du lịch, liên quan đến vận tải hàng không, hộ chiếu vaccine…
- Xin cảm ơn ông!