ĐBQH VŨ ĐẠI THẮNG: SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG 02 DỰ ÁN LUẬT ĐIỆN ẢNH VÀ LUẬT THI ĐUA KHEN THƯỞNG

23/10/2021

Bày tỏ quan điểm tại phiên họp tổ ngày 23/10, đại biểu Vũ Đại Thắng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, khẳng định sự cần thiết sửa đổi, bổ sung 02 dự án Luật Điện ảnh và Luật Thi đua khen thưởng, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới của đất nước..

 

Đại biểu Vũ Đại Thắng - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Vũ Đại Thắng cho biết, Luật Thi đua khen thưởng đã qua 3 lần sửa đổi, lần gần nhất cũng đã cách đây 8 năm, vì thế việc sửa đổi, bổ sung là điều cần thiết để tạo động lực để thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội. Đại biểu bày tỏ kỳ vọng việc sửa đổi Luật lần này sẽ tạo được cơ chế khen thưởng phù hợp, chú trọng tới đối tượng là những người dân lao động bình thường, các doanh nhân, công nhân…

“Tôi nhất trí cao với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng, tạo động lực cho việc khích lệ phong trào thi đua. Cụ thể hóa các hình thức thi đua, khen thưởng, tập trung cho các đối tượng trực tiếp, các tập thể nhỏ, chú trọng các cá nhân, thành phần ngoài công lập… vì nhiều năm qua việc khen thưởng chỉ chú trọng vào hệ thống chính trị, vào hệ thống công lập. Hiện nay, khi mà mọi thành phần kinh tế đều phát triển, việc phát triển Luật Thi đua khen thưởng sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển khách quan..” – đại biểu Vũ Đại Thắng bày tỏ.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Đại Thắng cũng cho rằng nội số điều khoản quy định còn thiếu chặt chẽ, chưa cân nhắc hết trước vấn đề thực tiễn hiện nay. Cụ thể, về đối tượng áp dụng, đại biểu Vũ Đại Thắng cho rằng, dự thảo Luật áp dụng đối với cá nhân, tập thể, gia đình người Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân tập thể người nước ngoài… các đối tượng này được xác định là chủ thể được tặng danh hiệu thi đua nhưng trong dự thảo Luật chưa thể hiện rõ vai trò của cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc đề nghị xét tặng, quyết định trao tặng các danh hiệu.

Đại biểu cũng kiến nghị, việc khen thưởng công lập cần có tách bạch riêng với khu vực ngoài nhà nước. Công tác khen thưởng cần coi chỉ là một bộ phận của việc đánh giá cán bộ (quy hoạch, điều động, bổ nhiệm…) những người có kết quả thi đua cao cần phải được lưu ý trong quá trình phấn đấu.

Với khu vực tư nhân, đại biểu đồng tình với việc tăng cường hơn nữa “việc khen” trong các cụm dân cư, trong xã phường. Thi đua khen thưởng hướng tới cấp cơ sở - rất đúng và trúng, đặc biệt thông qua đợt phòng, chống dịch vừa qua. Do vậy, đề nghị các phong trào thi đua, phong trào khen thưởng cần tập trung đến người dân, lấy người dân làm trung tâm, tế bào của hoạt động thi đua khen thưởng.

Với một số nội dung Quốc hội đã thẩm tra liên quan đến danh hiệu mới của gia đình tiêu biểu, địa phương tiêu biểu, đại biểu cho rằng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Danh hiệu “Gia đình văn hóa, làng xã văn hóa” chưa phản ánh hết, toàn diện các mặt hoạt động đời sống... vì thế, việc đưa danh hiệu “tiêu biểu” sẽ có tính toàn diện hơn.

Đại biểu cũng lưu ý, việc khen thưởng gắn với rất nhiều quyền lợi (lên lương, bổ nhiệm, quy hoạch, thăng cấp bậc, cộng điểm ưu tiên…) vì thế cần xem xét kỹ để không khen thưởng tràn lan mà phải đúng người, đúng việc, có hiệu quả công việc nổi trội… Vì thế, tinh thần của Luật cần thể hiện rõ điều này để đảm bảo được tính động viên với người có thành tích và nỗ lực.

Đối với dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), theo đại biểu Vũ Đại Thắng xác định đây là một Luật đặc thù, có tác động lớn. Đại biểu cũng đề cập đến thực tế điện ảnh có thể tạo nên việc xuất khẩu tư tưởng, văn hóa… do vậy, việc điều chỉnh Luật Điện ảnh là cần thiết, để phòng, chống văn hóa ngoại lai trong xã hội, khuếch trương văn hóa Việt Nam. Cùng với đó, vấn đề tác quyền, bản quyền trở nên quan trọng khi chúng ta gia nhập các hiệp định thương mại tự do. Chính vì thế, mục tiêu xây dựng hợp tác đã giúp cho quá trình quảng bá văn hóa Việt Nam, hạn chế chuyện tiêu cực trong xã hội.

Về vấn đề cụ thể liên quan đến phim nhà nước tài trợ, đại biểu cho rằng đây là bộ phận quan trọng để tuyên truyền, vì thế vẫn duy trì nhưng cần phải có sự quản lý để những bộ phim này thực hiện được đúng mục tiêu của phim, tránh việc “cấp chiếu” các bộ phim thể loại này.

Các hãng phim đã cổ phần hóa cần dựa vào cơ chế đấu thầu để lựa chọn được những nhà làm phim tư nhân, miễn sao đạt được mục tiêu tuyên truyền, không nhất thiết phải đưa nội dung đấu thầu sản phẩm điện ảnh vào Luật Điện ảnh vì đã có Luật Đấu thầu. Đồng thời cũng không nhất thiết phải duy trì Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh vì hiện nay cơ chế thị trường đã tạo ra sự vận động linh hoạt, như thế có lợi hơn, chỉ cần tập trung vào các dự án phim tuyên truyền.

Cũng theo đại biểu Vũ Đại Thắng, tại thời điểm này, việc xem phim trên mạng internet đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến tác quyền qua mạng, do vậy cần có chế tài để đảm bảo quyền của người sản xuất, đồng thời phù hợp xu thế chung của thế giới./.

Diệu Linh