ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI THOA: ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA QUỐC HỘI

13/03/2022

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, tiếp tục đổi mới một số vấn đề về phương thức tiến hành giám sát là cần thiết để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, trong đó có hoạt động giám sát chuyên đề.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết, đổi mới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động luôn là nhu cầu tự thân của mỗi cơ quan, tổ chức, trong đó có Quốc hội. Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã ghi rõ: Tiếp tục xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đây là yêu cầu khách quan để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, đáp ứng thực tiễn đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội đang diễn ra sôi động, mau lẹ, vừa là yêu cầu nội tại để khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội, thể hiện quyền lực của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.

Theo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, hoạt động giám sát chuyên đề đạt được nhiều kết quả quan trọng, có nhiều đổi mới, được nhận định là: tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, lựa chọn “trúng và đúng” vấn đề; cách thức tiến hành được đổi mới, cải tiến, ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát. Về hạn chế đối với hoạt động giám sát chuyên đề, Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội đã đề cập đến một số hạn chế, đó là: một số yêu cầu tại các nghị quyết về giám sát chuyên đề, báo cáo giám sát của các cơ quan của Quốc hội chưa được nghiêm túc triển khai thực hiện; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị giám sát chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên. Tuy chỉ nêu rất ít hạn chế, nhưng lại là hạn chế khá quan trọng, quyết định đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát chuyên đề.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả phương thức Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa kiến nghị:

Một là, lựa chọn chuyên đề, cần kết hợp giữa tính kế hoạch và tính thời sự: Ngoài các nội dung giám sát chuyên đề được xác định sẵn theo chương trình, kế hoạch, cần để ngỏ khả năng để Lãnh đạo Quốc hội, Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội quyết định việc tiến hành ngay các hoạt động giám sát chuyên đề, kể cả chuyên đề giám sát tối cao theo yêu cầu của thực tiễn, trong từng trường hợp cụ thể.

Hai là, tăng cường sự tham gia của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát trong bộ máy nhà nước: Việc phối hợp các cơ quan hữu quan trong hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã được thực hiện khá thường xuyên trong thời gian vừa qua và đem lại hiệu quả rõ rệt. Các cơ chế phối hợp giám sát cần tiếp tục được tăng cường và phát huy hơn nữa trong hoạt động giám sát chuyên đề. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp hoạt động giám sát của Quốc hội với hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng và hoạt dộng thanh tra nhà nước của Chính phủ và thanh tra chuyên ngành. Tuy mỗi cơ quan trong bộ máy nhà nước có đối tượng và đặc điểm hoạt động riêng, nhưng việc phối hợp của các cơ quan đều dựa trên nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, các cơ quan nhà nước phân công, phối hợp, kiểm soát hoạt động, dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, hướng tới mục đích chung là vì lợi ích của nhà nước, của nhân dân.

Việc phối hợp hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội với hoạt động kiểm tra Đảng và thanh tra Nhà nước sẽ đem lại hiệu lực, hiệu quả cao hơn, khi xác định được các hành vi vi phạm, sẽ đồng thời xác định và truy cứu trách nhiệm chính trị, trách nhiệm đảng viên, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân có sai phạm. Hình thức phối hợp sẽ không chỉ là việc mời một thành viên của Ủy ban kiểm tra Trung ương hay lãnh đạo cơ quan Thanh tra Chính phủ tham gia Đàon giám sát mà cần yêu cầu, đề nghị các cơ quan cùng đồng thời lập kế hoạch tiến hành kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, theo đối tượng, phạm vi kiểm tra, thanh tra, giám sát thống nhất.

Ba là, Quốc hội thảo luận tập thể về các kiến nghị giám sát: Hiện nay, sau hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội đều có ban hành nghị quyết giám sát; sau một số hoạt động giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có han hành nghị quyết giám sát nhưng sau giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thì hình thức văn bản chỉ là các báo cáo, kiến nghị. Một số báo cáo giám sát của các cơ quan của Quốc hội được gửi đến đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp để tự nghiên cứu, chưa được tổ chức thảo luận. Do đó, các kiến nghị qua hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong nhiều trường hợp chưa được quan tâm thực thi.

Tổng hợp các kiến nghị qua giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trình Quốc hội thảo luận tập thể và ban hành nghị quyết riêng hoặc đưa vào nghị quyết kỳ họp Quốc hội là giải pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của từng cơ quan chuyên môn của Quốc hội và của cơ quan thường trực Quốc hội sẽ được toàn thể các đại biểu Quốc hội nắm bắt thông tin, thảo luận, thể hiện chính kiến và giám sát việc triển khai thực hiện.

Bốn là, thường xuyên giám sát lại: Yêu cầu về việc tổ chức giám sát lại đối với các chuyên đề đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành giám sát là một trong những cách thức hiệu quả cho việc xem xét việc triển khai thực hiện các nghị quyết giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các kết luận, kiến nghị giám sát của các cơ quan của Quốc hội.

Do đó, cần đặt ra yêu cầu bắt buộc tiến hành giám sát lại đối với hoạt động giám sát chuyên đề. Tuy theo mỗi nội dung chuyên đề khác nhau mà Trưởng đoàn giám sát quyết định về nội dung, thời gian sẽ tiến hành giám sát lại. Việc giám sát lại cần được ghi rõ vào báo cáo giám sát hoặc nghị quyết giám sát. Đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, cần phải triển khai thực hiện lâu dài, có thể đặt ra yêu cầu giám sát định kỳ (1-2 năm/lần). /.

Lê Anh

Các bài viết khác