ĐBQH ĐBQH MAI THỊ PHƯƠNG HOA: GIẢI QUYẾT CƠ BẢN VƯỚNG MẮC TRONG KHEN THƯỞNG KHU VỰC TƯ NHÂN

29/03/2022

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa- ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, dự thảo Luật đã có sự đổi mới mạnh mẽ, đặc biệt đã giải quyết được cơ bản vướng mắc trong khen thưởng khu vực kinh tế tư nhân.

Tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa- ĐBQH tỉnh Nam Định đánh giá cao cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc, kỹ lưỡng; giải trình rõ những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau; cho rằng dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đối với công tác thi đua, khen thưởng.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa- ĐBQH tỉnh Nam Định khẳng định, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)  lần này thực sự có sự đổi mới mạnh mẽ và căn bản, thể chế hóa được Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Đặc biệt, dự thảo Luật đã có các quy định nhằm giải quyết cơ bản các khó khăn, vướng mắc trong công tác khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân.

Đại biểu cho biết, trong giai đoạn hiện nay, khối doanh nghiệp tư nhân đang phát triển mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước với đóng góp trên 40% GDP cả nước. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học xứng đáng được khen thưởng vì thành tích đóng góp của mình. Tuy nhiên, một số quy định hiện hành về tiêu chuẩn khen thưởng cho doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước chưa cụ thể, khó áp dụng và điều chỉnh bằng văn bản dưới luật.

Đại biểu bày tỏ vui mừng khi dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã khắc phục được những bất cập này khi bổ sung quy định cụ thể đối tượng là doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học và các tổ chức kinh tế khác được khen thưởng Huân chương Lao động các hạng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của các bộ, ban, ngành, tỉnh; bổ sung những nguyên tắc xếp tôn vinh, trao tặng giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp... Theo đại biểu, với những quy định mới rất căn bản này, công tác khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân sẽ được tăng cường và góp phần động viên, khích lệ, thúc đẩy khu vực này ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị, dự thảo Luật nên quy định ngay những nguyên tắc cơ bản về thẩm quyền trình khen thưởng, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp tư nhân, làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết sau này./.

Thu Phương

Các bài viết khác