CÒN NHIỀU BẤT CẬP TRONG VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI

29/03/2022

Đánh giá việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách trong lĩnh vực giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016-2021, đại biểu Võ Thị Minh Sinh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã chỉ ra nhiều bất cập đang tồn tại trong thực tiễn.

 

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

Cho ý kiến về báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với chuyên đề giám sát “Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nêu rõ, trong báo cáo tổng thể của Chính phủ có 10 văn bản quy phạm pháp luật chậm ban hành, trong đó có 05 văn bản liên quan đến trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của Luật Giáo dục năm 2005. Cụ thể là Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP; Nghị định số 57/2017/NĐ-CP, Nghị định số 06/2018/NĐ-CP và Nghị định số 145/2018/NĐ-CP.

Đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc giai đoạn 2019-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành đồng loạt các văn bản quy phạm pháp luật và đã giải quyết cơ bản những văn bản chậm ban hành. Trong đó, khi Nghị định 84/2020/NĐ-CP được ban hành đã bãi bỏ rất nhiều các văn bản nhỏ, lẻ. Đáng chú ý, có những văn bản từ năm 1997 nhưng khi có Nghị định 84/2020/NĐ-CP mới được bãi bỏ. Có thể thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát rất kĩ để bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó có những chính sách chưa kịp thay đổi sẽ ảnh hưởng đến chế độ thụ hưởng của các đối tượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, do đó đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải rõ lý do của việc chậm ban hành cũng như nguyên nhân và tác động, sự ảnh hưởng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Liên quan tới Nghị định 82/2010/NĐ-CP về quy định dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, đại biểu Võ Thị Minh Sinh chỉ ra rằng, trong Luật giao nhiệm vụ cho Bộ nhưng Thông tư liên tịch số 50/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định lại giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ hơn về thẩm quyền, thẩm định cũng như tính chính xác của vấn đề.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cũng nêu rõ, tại khoản 2 Điều 26 Luật Giáo dục năm 2005 và khoản 4 Điều 28 Luật Giáo dục năm 2019 đều quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào học lớp một. Có thể thấy, trong 14 năm có 2 lần thay đổi nhưng hiện nay vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện điều này.

Khẳng định trường dân lập trong cộng đồng dân cư cơ sở rất quan trọng đối với khu vực dân tộc thiểu số, miền núi, đại biểu cho biết, loại hình này đã được quy định tại Điều 47 về loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân Luật Giáo dục năm 2019, do đó đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ rõ đã ban hành văn bản nào để hướng dẫn thực hiện việc này.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, sau 4 năm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33/2016/QH14 Bộ Giáo dục và Đào tạo mới trình Chính phủ ban hành Nghị định để tổ chức triển khai thực hiện là chưa kịp thời. Vì vậy cần đánh giá tác động, sự ảnh hưởng của việc chậm ban hành Nghị định đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong thời qua. Đồng thời nhấn mạnh, việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết sẽ có tác động rất lớn đến đối tượng thụ hưởng chính sách tại các địa phương, do đó đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tham khảo ý kiến của nhân dân, các phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội liên quan trong quá trình xây dựng và tham mưu xây dựng ban hành các văn bản.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho biết, qua rà soát thực tiễn, hiện nay có một số chính sách liên quan tới hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở thôn, xã đặc biệt khó khăn đã nảy sinh bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tượng thụ hưởng. Theo đó, tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định 116/2016/NĐ-CP mới chú ý đến các em học sinh có hộ khẩu thường trú tại khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn, nhà xa trường,…nhưng chưa bao quát đến các đối tượng là con hộ nghèo, hộ cận nghèo có hộ khẩu thường trú tại khu vực I, II hoặc III tại diện này.

Theo đại biểu, trong một điều kiện giống nhau nhưng các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi sẽ có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Do đó, nếu không đồng bộ các chính sách để tháo gỡ khó khăn thì sẽ có đối tượng dân tộc thiểu số được đi học nhưng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sống ở vùng dân tộc thiểu số sẽ thiếu học hoặc bỏ học giữa chừng. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm hơn đến đối tượng là thanh niên, thiếu niên vùng dân tộc thiểu số đang có hộ khẩu thường trú tại thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 84/2020/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là khó khăn trong hoạt động của các trường phổ thông dân tộc nội trú hiện nay./.

Minh Thành

Các bài viết khác