Đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, xu hướng cạnh tranh trên toàn cầu trong thập kỷ tới sẽ là “cạnh tranh xanh”, do đó, những câu chuyện thành công và dẫn dắt xu hướng hướng này sẽ thuộc về các nền kinh tế, các địa phương, các doanh nghiệp và người dân biết nắm bắt sớm, hành động ngay và không ngừng thúc đẩy chuyển đổi xanh.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Thế giới, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030. Đại biểu cho rằng cần có sự tham gia, góp sức từ khu vực tư nhân, cần thể hiện rõ vai trò và sứ mệnh của khu vực tư nhân trong công cuộc kiến tạo và hình thành những giá trị phát triển.
Đại biểu Tạ Đình Thi nhấn mạnh, điều cần làm là tìm giải pháp tiếp cận và hội tụ nguồn lực, lan tỏa giá trị, thúc đẩy nhanh chuyển đổi xanh hiệu quả. Các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia kinh tế, xã hội, cộng đồng khoa học, công nghệ và doanh nghiệp cần cùng nhau tìm cách tiếp cận mới hơn, phương thức thực thi hiệu quả hơn để giải bài toán kinh tế xanh. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chính là những thành tố cốt yếu thúc đẩy và đảm bảo môi trường xanh, kinh tế xanh và xã hội xanh hướng tới phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm.
Đại biểu cho biết, để kịp thời tạo nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ngay từ đầu năm 2022, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, Quốc hội đã giao Chính phủ sớm có các chính sách đột phá, ưu tiên khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thời gian qua đã tham gia đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi tăng trưởng xanh thông qua các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, điển hình là những chính sách, pháp luật về tài nguyên, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai,…
Để đáp ứng các yêu cầu về “Hội tụ nguồn lực”, “thúc đẩy tăng trưởng xanh” góp phần phát triển bền vững, đại biểu Tạ Đình Thi kiến nghị cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy đầu tư, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, bền vững. Từ góc tiếp cận lập pháp, các cơ quan nhà nước theo chức năng và thẩm quyền của mình sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan đến tăng trưởng xanh có tính ổn định cao, tạo lập niềm tin của xã hội, nhất là khu vực đầu tư tư nhân.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng cần tiếp tục rà soát, sớm hoàn chỉnh và phê duyệt quy hoạch cấp trung ương, địa phương và nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói hỗ trợ tài chính xanh để phục vụ đầu tư xanh, chuyển đổi xanh ở các cấp độ khác nhau, tạo điều kiện đấu nối và hợp nhất giữa các hệ sinh thái xanh của ngành, địa phương và quốc gia. Hiện nay, các ngành và địa phương đang khẩn trương hoàn thiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - 2050 để trình cấp có thẩm quyền thông qua. Đây là điều kiện tốt để các ngành, địa phương đặt trọng tâm chuyển đổi xanh trong các quy hoạch phát triển và đồng thời nghiên cứu xây dựng những gói hỗ trợ xanh để thúc đẩy quá trình chuyển đổi.
Đại biểu cũng cho rằng, cộng đồng các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với các mô hình và xu hướng mới đã hình thành trong và sau đại dịch Covid-19. Do đó, việc xác định chiến lược đầu tư xanh, chuyển đổi xanh trở thành chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp cùng những gói hỗ trợ tài chính xanh của chính phủ sẽ là cơ sở quan trọng để tạo sự thay đổi thực chất nhất.
Theo đại biểu, từ góc nhìn môi trường, doanh nghiệp là một phần nguyên nhân, thì chính doanh nghiệp là một phần giải pháp. Chính vì vậy, kết hợp sự thay đổi của cả địa phương và doanh nghiệp, sẽ tạo ra sự chuyển đổi bền vững và góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam. Bên cạnh đó, tìm kiếm và tạo lập những hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh mới trong các ngành nghề, lĩnh vực mới nổi, nhất là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế biển xanh.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần tận dụng những cơ hội và nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài. Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới cũng đồng thời tạo độ mở lớn, mang đến cả cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế trong nước, để phát huy và tận dụng hiệu quả lợi thế mang lại từ hội nhập và 18 hiệp định hợp tác thương mại đã ký kết, nắm bắt và tranh thủ được sự hỗ trợ của quốc tế trong công cuộc thúc đẩy kinh tế xanh của Việt Nam./.