TS.BÙI SỸ LỢI: CÂN NHẮC HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ PHÂN TUYẾN, GIÁ DỊCH VỤ Y TẾ

14/04/2022

Góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi), TS. Bùi Sỹ Lợi, ĐBQH khóa XI, XII, XIII, XIV, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khoá XIV đánh giá cao việc quy định riêng Chương IX về Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh Truyền nhiễm thuộc nhóm A. Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo Luật, TS. Bùi Sỹ Lợi đề nghị cần nghiên cứu/hoàn thiện quy định về phân tuyến, giá dịch vụ y tế,…

 

TS. Bùi Sỹ Lợi, ĐBQH khóa XI, XII, XIII, XIV, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23/11/2009. Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện Luật đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, một số vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết. Do đó, việc sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh lần này là rất cần thiết nhằm sửa đổi những vướng mắc, bất cập của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn mà chưa có cơ chế pháp lý phù hợp.

Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, … Với 10 chương, 99 điều, Dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm chính sách lớn của dự thảo Luật: (1) Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; (2) Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; (3) Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; (4) Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Nghiên cứu Dự thảo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi), TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, dự thảo Luật lần này đã khắc phục nhiều tồn tại và tiếp thu nhiều ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý.

Đánh giá cao việc quy định riêng Chương IX về Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh Truyền nhiễm thuộc nhóm A, TS. Bùi Sỹ Lợi đưa ra một số kiến nghị để Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nội dung dự thảo Luật:

Về nâng cao chất lượng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, TS. Bùi Sỹ Lợi đề xuất cần tập trung vào 2 nhóm vấn đề:

(1) Kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề phải phân tích đánh giá tác động một cách khoa học có căn cứ, đây là vấn đề bắt buộc nhằm quản lý chất lượng người hành nghề khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là xác định chủ thể đánh giá. Hội đồng y khoa quốc gia hay Bộ Y tế. Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức rất mới được Chính phủ thành lập năm 2020; vấn đề về nhân sự và chất lượng nhân sự của Hội đồng, cũng như kinh nghiệm hoạt động và tổ chức thực hiện cần được quan tâm, đánh giá khách quan; Trong khi Nghị quyết số 20 của Trung ương quy định giao chức năng này cho Hội đồng Y khoa. Về Bộ Y tế đang cấp chứng chỉ hành nghề với thời gian là vô hạn, nhưng tiến độ cấp rất chậm và qua kiểm tra, giám sát rất nhiều ý kiến còn khác nhau.

(2) Giấy phép hành nghề (thay cho chứng chỉ) dự thảo quy định có giá trị 05 năm (thay cho dài hạn) với mục tiêu là phải cập nhật kiến thức, tạo điều kiện nâng cao năng lực cho người hành nghề nhưng vấn đề thủ tục hành chính, quy trình như thế nào để thuận lợi. Đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn và xin ý kiến Quốc hội để thảo luận tạo đồng thuận.

Về phân tuyến chuyên môn, kỹ thuật theo 3 cấp thay thế cho 4 tuyến trước đây. Đây là vấn đề làm xáo trộn tổ chức, theo TS. Bùi Sỹ Lợi có cần phải sửa đổi hay không phải được đánh giá kỹ lưỡng. Nếu quy định 3 cấp Dự thảo Luật phải quy định rất cụ thể chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý. “Vấn đề đặt ra là Nghị quyết 20 TW về phát triển y tế cơ sở sẽ được thể chế hóa trong Luật như thế nào”, TS. Bùi Sỹ Lợi lưu ý.

Liên quan đến tự chủ Bệnh viện và xã hội hóa, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong Dự thảo Luật chưa được quy định rõ, cũng như vấn đề liên doanh, liên kết theo xu hướng nào phải có quy định rõ, cụ thể.

Bên cạnh đó, TS. Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng giá dịch vụ y tế chưa gắn với tự chủ. Thế giới đi theo hướng tính cho nhóm chuẩn đoán, rất ít nơi làm theo giá dịch vụ (trừ Hàn Quốc và Nhật Bản do hai nước này áp dụng công nghệ thông tin và giá dịch vụ do Chính phủ kiểm soát).

Đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A (Bệnh nguy hiểm): TS. Bùi Sỹ Lợi cho biết, hiện nay theo quy định của pháp luật (Luật phòng, chống bệnh) do ngân sách Nhà nước đảm bảo, vấn đề này nên nghiên cứu, tính toán theo hướng: nếu vào cơ sở khám chữa bệnh thì do Bộ Y tế; nếu hoạt động mang tính dự phòng cộng đồng thì Ngân sách Nhà nước bảo đảm. Tại dự thảo, nội dung này tại Chương IX quy định chưa cụ thể và toàn diện do mới quy định việc huy động nhân lực, chưa đề cập đến vấn đề kinh phí.

Ngoài ra, từ thực tiễn đại dịch Covid -19 vừa qua , TS, Bùi Sỹ Lợi cũng đề nghị cân nhắc việc ghi nhận hay không ghi nhận chế độ, chính sách trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đối với những cán bộ, nhân viên y tế và lực lượng tham gia bị lây nhiễm dẫn đến tử vong hoặc suy giảm khả năng lao động./.

Lê Anh

Các bài viết khác