ĐBQH Khóa XIII Đặng Đình Luyến
Theo ông Đặng Đình Luyến- ĐBQH Khóa XIII, Luật Quy hoạch năm 2017 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc lập, thẩm định, quyết định/ phê duyệt quy hoạch quốc gia, quy hoạch cấp vùng, quy hoạch cấp tỉnh và các hoạt động khác có liên quan đến quy hoạch. Tuy nhiên, qua hơn 3 năm thực hiện Luật Quy hoạch cho thấy kết quả lập, quyết định/ phê duyệt quy hoạch ở các cấp rất chậm, không được như mong muốn.
Để khắc phục tình trạng này, ông Đặng Đình Luyến cho rằng trước hết cần tiến hành một số hoạt động sau đây:
Thứ nhất, cần nghiên cứu, đánh giá hệ thống các quy định của pháp luật về quy hoạch xem các quy định đã đầy đủ, toàn diện, đồng bộ, thống nhất chưa? Xem xét các quy định pháp luật có bị chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn nhau không, có tính khả thi không, văn bản của cơ quan cấp dưới có phù hợp với văn bản của cơ quan cấp cao hơn không, v v....... Từ đó tìm ra những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật và nguyên nhân để có những sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ nhằm hoàn thiện hơn hệ thống quy định của pháp luật về quy hoạch, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các hoạt động quy hoạch ở các cấp, các ngành, lĩnh vực và các hoạt động khác có liên quan.
Thứ hai, cần tiến hành tổng kết, đánh giá thực tiễn triển khai thực hiện pháp luật về quy hoạch trong những năm qua. Từ đó xem xét các khâu trong quy hoạch có những vướng mắc, bất cập, hạn chế như thế nào? Tìm nguyên nhân của những vướng mắc, bất cập, hạn chế trong quy hoạch là do pháp luật, hay do tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, hay do hạn chế về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức làm quy hoạch, hay do thiếu nguồn lực, v v... qua đó đưa ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục.
Liên quan đến tính đồng bộ của Luật Quy hoạch và văn bản pháp luật khác có liên quan, ông Đặng Đình Luyến cho biết, cần nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, tổ chức tổng kết đánh giá việc sửa đổi, bổ sung một số Điều, khoản trong nhiều luật, bộ luật có liên quan đến Luật Quy hoạch. Bởi vì khi mỗi luật được ban hành thì các quy định trong luật đó đã được bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất nội tại ngay chính trong luật đó; nếu sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản trong luật đó để phù hợp, thống nhất với luật khác thì có thể dẫn đến chính điều, khoản mới được sửa đổi hoặc bổ sung sẽ không đồng bộ, không thống nhất với các điều, khoản khác của ngay trong luật đó.
Hơn nữa, việc sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản liên quan đến quy hoạch trong nhiều luật khác để phù hợp, thống nhất với Luật Quy hoạch 2017 liệu có bảo đảm chắc chắn rằng Luật Quy hoạch 2017 là nền tảng pháp lý cơ bản về quy hoạch, bảo đảm lý luận, phù hợp với thực tiễn về quy hoạch, mà buộc các luật khác phải sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan theo không, nhất là trong điều kiện pháp luật về quy hoạch, thực tiễn thực hiện quy hoạch đang còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc. Giả thiết rằng, sau một thời gian thực hiện Luật Quy hoạch 2017 thấy có những bất cập, hạn chế, không đáp ứng với yêu cầu quy hoạch ở nước ta mà phải sửa đổi lại Luật Quy hoạch này, thì khi đó có phải sửa lại một số điều của tất cả các luật liên quan không? Do đó, đây là vấn đề cần cân nhắc thấu đáo.
Cũng theo ông Đặng Đình Luyến, việc ban hành một luật buộc phải sửa đổi, bổ sung một số điều trong nhiều luật khác, sẽ dẫn đến tình trạng tương tự trong tương lai. Nếu các lĩnh vực khác khi có luật chuyên ngành được ban hành mới lại yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan trong các bộ luật, luật khác, tương tự như việc làm đối với Luật Quy hoạch thì sẽ kéo theo hệ lụy rất phức tạp cho hệ thống pháp luật là luôn ở trạng thái bất ổn, xáo trộn, các điều khoản của các bộ luật, luật có thể bị sửa đổi, bổ sung bất kỳ lúc nào. Vì vậy, việc rà soát Luật Quy hoạch và các luật có liên quan cần phải được tiến hành công phu, kỹ lưỡng, cụ thể để tạo tính ổn định trong hệ thống pháp luật./.