ĐBQH ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ: CẦN TĂNG CƯỜNG ĐÀO TẠO, HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ VÀ KỸ NĂNG TIẾP CÔNG DÂN

18/04/2022

Theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà- Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao cần thực hiện đồng bộ các biện pháp, tăng cường đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng tiếp công dân để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này, đáp ứng yêu cầu đặt ra cho giai đoạn hiện nay.

 

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà- Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho ý kiến

Quan tâm đến báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà- Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành một số văn bản: Chỉ thị số 04/2020/CT-CA ngày 11/6/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân; Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC ngày 18/6/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân; ban hành Quy chế tiếp công dân và Nội quy tiếp công dân; Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BTP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/4/2019 quy định phối hợp trong việc báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Quy định về việc phối hợp tiến hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo...

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, việc ban hành các văn bản trên của Tòa án nhân dân tối cao đã bảo đảm thể chế hóa đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tích cực triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền các văn bản của Đảng, quy định của Nhà nước đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chủ động triển khai xây dựng và ban hành Kế hoạch, Chương trình, Quy chế, Nội quy tiếp công dân; đồng thời, phối hợp xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Khiếu nại, khoản 3 Điều 60 Luật Tố cáo. Tòa án nhân dân tối cao đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân khi thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chủ động rà soát, phát hiện những khó khăn, vướng mắc hoặc quy định trong văn bản chưa phù hợp để kịp thời ban hành văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, việc thực hiện công tác ban hành các văn bản trên của Tòa án nhân dân tối cao còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, pháp luật chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về các vấn đề như: việc cử người đại diện trong trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo về cùng một nội dung, thẩm quyền, trình tự đôn đốc, theo dõi việc xử lý, giải quyết các vụ việc chuyển đến cơ quan thuộc thẩm quyền giải quyết. Chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và việc cập nhật văn bản có đơn vị còn hạn chế.

Đối với công tác tiếp công dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, cơ bản Tòa án nhân dân các cấp đã bố trí địa điểm, trụ sở tiếp công dân khang trang, thuận lợi, cơ sở vật chất đầy đủ; niêm yết nội dung, công khai lịch tiếp công dân, quy trình, quy định có liên quan đến hoạt động tiếp dân, nội quy tiếp công dân; Bố trí cán bộ tiếp công dân có năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm giúp cho việc tiếp công dân đạt hiệu quả; Việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, tiếp công dân thường xuyên và tiếp công dân đột xuất được Tòa án nhân dân các cấp thực hiện tích cực, phân loại, ghi sổ sách đầy đủ. Công tác phối hợp giữa Tòa án và các cơ quan hữu quan trong hoạt động luôn được quan tâm, quán triệt.

Tuy vậy, công tác tiếp công dân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc như: bố trí cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân còn thiếu về số lượng, hầu hết là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản và chưa có kiến thức chuyên sâu về pháp luật khiếu nại, tố cáo; việc đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng tiếp công dân còn hạn chế; còn một số tòa án do trụ sở nhỏ nên chưa bố trí được phòng tiếp dân riêng.

Về tình hình giải quyết các vụ án, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, mặc dù kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo báo cáo đạt kết quả cao, tuy nhiên, kết quả giải quyết hằng năm đối với loại này vẫn chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Vẫn còn một số Thẩm phán có biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án, đây là một trong những nguyên nhân làm tăng số lượng đơn giám đốc thẩm hằng năm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ những cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp, làm phát sinh khiếu nại, tố cáo; làm rõ nguyên nhân của một số trường hợp tuy thông báo là đã nhận được đơn, đang trong quá trình giải quyết nhưng sau đó lại không thông báo kết quả giải quyết; làm rõ những giải pháp của Tòa án nhân dân tối cao trong việc khắc phục tình trạng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tồn đọng hằng năm, nhằm đạt yêu cầu theo Nghị quyết số 96/2015/QH13 của Quốc hội.

Nêu tình trạng một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp với Toà án trong việc cung cấp tài liệu, chứng cử, giám định, tham gia định giá tài sản, thực hiện uỷ thác tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Tòa án nhân dân tối cao đưa ra kiến nghị cụ thể với Chính phủ để khắc phục tình trạng này. Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Tòa án nhân dân tối cao làm rõ giải pháp đảm bảo chất lượng việc kiểm tra công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp Tòa án, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót xảy ra; giải pháp tiếp tục đổi mới hoạt động tiếp công dân của các Tòa án nhân dân để đáp ứng yêu cầu đặt ra cho giai đoạn hiện nay./.

Hồ Hương