Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Đánh giá về tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vừa qua, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho biết, tình hình công dân đến khiếu nại, tố cáo tại Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp vẫn diễn biến phức tạp; hiện tượng công dân khiếu nại vượt cấp đang có chiều hướng gia tăng; các vụ việc khiếu kiện đông người trong hoạt động tư pháp không nhiều nhưng vẫn còn; số lượng đơn đề nghị xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc khiếu nại thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm với thái độ gay gắt, bức xúc gia tăng; nhiều vụ việc đã được các cơ quan giải quyết hết thẩm quyền, đúng pháp luật nhưng công dân không đồng ý, vẫn tiếp tục yêu cầu giải quyết lại, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Những khiếu nại trong lĩnh vực hành chính chủ yếu vẫn là về tranh chấp đất đai, nhà cửa, đền bù giải phóng mặt bằng và thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước. Tuy nhiên, việc giải quyết của cơ quan hành chính Nhà nước chậm trễ, làm người dân bức xúc nên tiếp tục gửi nhiều đơn đến VKSND các cấp đề nghị có ý kiến hoặc xem xét xử lý hình sự. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ việc khiếu nại gay gắt, kéo dài.
Đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Kiểm sát, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà chỉ rõ, VKSND các cấp đã bố trí phòng tiếp công dân ở vị trí thuận tiện, thực hiện niêm yết nội quy và công khai lịch tiếp công dân của lãnh đạo, cơ bản bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi để công dân được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình khi đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Lãnh đạo Viện KSND các cấp đã quan tâm phân công công chức, Kiểm sát viên tiếp công dân thường xuyên là những người có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông pháp luật và nghiệp vụ, có khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật.
Năm 2020 và năm 2021, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Kiểm sát đã thực hiện nghiêm các quy định của Thủ tướng Chính phủ, tạm dừng việc tiếp công dân trong thời gian giãn cách xã hội, việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị được thực hiện bằng đơn thông qua dịch vụ bưu chính luôn được bảo đảm và thông suốt. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được VKSND các cấp chú trọng, đề cao vai trò, trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của VKSND cấp trên kiểm tra đối với VKSND cấp dưới được đưa vào chỉ tiêu nghiệp vụ hàng năm.
Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, bên cạnh những mặt đã đạt được trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế của ngành Kiểm sát.
Cụ thể, phòng tiếp công dân chưa được trang bị camera theo dõi. Một số vụ việc giải quyết khiếu nại còn vi phạm thời hạn, mang tính hình thức, nội dung chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc áp dụng, trích dẫn điều luật chưa chính xác, thiếu căn cứ; chất lượng giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền VKSND cấp huyện còn chưa đảm bảo, đến khi VKSND cấp trên kiểm tra phải hủy một số quyết định giải quyết khiếu nại về việc không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm để yêu cầu giải quyết lại quyết định.
Bên cạnh đó, việc tổ chức đối thoại với công dân trước khi ban hành văn bản giải quyết còn hạn chế. Công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự. hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động tại các VKSND cấp cao đạt tỉ lệ giải quyết chưa cao, còn để đơn tồn đọng (một phần là đơn đã được các VKSND cấp cao thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm nhưng đương sự không đồng ý mà tiếp tục khiếu nại, còn pháp luật lại chưa có quy định kết thúc giải quyết khiếu nại). Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý đơn nhằm bảo đảm tính liên thông, kịp thời và quản lý chặt chẽ trong ngành Kiểm sát chưa được thực hiện do hạ tầng kỹ thuật còn kém, chưa đồng bộ.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị ngành Kiểm sát cần làm rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan của các tồn tại, hạn chế trên; từ đó kiến nghị các giải pháp để đảm bảo thực hiện tốt hơn nữa công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới./.