ĐBQH LÊ HOÀNG ANH: LÀM RÕ NGUYÊN NHÂN ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI TỐ CÁO KÉO DÀI NHƯNG GIẢI QUYẾT CHƯA ĐƯỢC THỎA ĐÁNG

23/04/2022

Quan tâm đến chuyên đề giám sát về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo từ 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, đại biểu Lê Hoàng Anh- Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị một số Bộ, ngành cần làm rõ nguyên nhân đơn thư khiếu nại tố cáo kéo dài nhiều năm giải quyết chưa được thỏa đáng.

 

Đại biểu Lê Hoàng Anh- Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho ý kiến

Đặt ra những vấn đề, nội dung, câu hỏi cụ thể chỉ rõ trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát liên quan đến ngành, lĩnh vực phụ trách, đại biểu Lê Hoàng Anh- Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ Tài chính cần làm rõ một số nội dung. Cụ thể, theo đại biểu, số liệu báo cáo của Bộ cho thấy, trong giai đoạn 01/7/2016 đến 01/7/2021, số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị Bộ tiếp nhận là rất lớn, 14 đoàn khiếu kiện đông người; nhiều đơn kiến nghị, phản ánh. Đại biểu đề nghị Bộ cho biết, là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến các quyền lợi, nghĩa vụ của công dân, Bộ có kiến nghị giải pháp nào trọng tâm để cải cách thủ tục, nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân?

Về kết quả xử lý đơn thư, đại biểu chỉ rõ, theo báo cáo của Bộ Tài chính, số lượng đơn - thư đã xử lý đạt tỷ lệ thấp so với số đơn thư tiếp nhận. Đề nghị Bộ báo cáo nguyên nhân chậm xử lý đơn và các giải pháp khắc phục vấn đề này. Bên cạnh đó, cần làm rõ nguyên nhân một số đơn thư khiếu nại tố cáo kéo dài nhiều năm giải quyết chưa được thỏa đáng; sai phạm của một số cơ quan thuế, cơ quan hải quan ở một số địa phương. Đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thuế và hải quan chiếm đến 70-80% nhưng chưa làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, trách nhiệm trong việc hoàn thiện quy định của pháp luật; đồng thời đề nghị bổ sung kiến nghị khắc phục tình trạng tỷ lệ đơn thư thuộc hai lĩnh vực này.

Đồng thời, đại biểu cho rằng cũng cần làm rõ việc khiếu nại tố cáo liên quan đến việc thu thuế, áp thuế xuất nhập khẩu, áp dụng hóa đơn điện tử, công tác hoàn thuế, truy thu thuế, chống nợ đọng thuế ở các doanh nghiệp, tổ chức phải nộp thuế. Theo đại biểu, không liệt kê tình hình một cách chung chung, mà cần có đánh giá ưu nhược điểm về kết quả xử lý khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực này. Đề nghị xem lại một số nhận định trong báo cáo của Bộ Tài chính như: Chưa ban hành trình tự, thủ tục giải quyết đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo mà chỉ có quy trình xử lý đơn kiến nghị phản ánh; Chưa quy định cụ thể về xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo; tình trạng gửi đơn tố cáo không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức; giải quyết khiếu nại đối với một số hồ sơ bị chậm...

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại biểu chỉ ra rằng, trong giai đoạn 01/7/2016 đến 01/7/2021, Bộ tiếp nhận số lượng đơn thư không quá lớn. Tuy nhiên, sau khi phân loại lại chủ yếu là đơn thư không thuộc thẩm quyền. Vậy Bộ có đề xuất giải pháp gì để khắc phục tình trạng đơn thư gửi trùng lắp, không đúng thẩm quyền?

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có kiến nghị cụ thể hơn đối với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về các biện pháp xử lý hiệu quả nhất các đơn thư, khiếu nại tố cáo kéo dài trong nhiều năm thuộc lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán, bảo hiểm, các dự án đầu tư... Tình trạng phổ biến hiện nay là một đơn thư gửi đi rất nhiều nơi, nhiều lần; đồng thời việc các cá nhân, cơ quan “chuyển đơn” là chủ yếu, việc xác định cơ quan nào có trách nhiệm xử lý khó được xác định rõ ràng, minh bạch; tiến độ xử lý dứt điểm đơn thư còn chậm, kéo dài nhiều năm, hiệu quả xử lý thấp. Chính phủ, các bộ ngành có giải pháp gì để sớm khắc phục vấn đề này?

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, đại biểu đưa ra một số giải pháp sau:

Một là, huy động, tập trung các đơn vị liên quan để kịp thời xử lý dứt điểm các vụ việc cùng lúc khi công dân đến kiến nghị, phản ánh; dự báo tốt các tình huống, vận dụng đúng các quy định pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, mức độ gay gắt.

Hai là, nâng cao trình độ, chuyên môn của đội ngũ cán bộ xử lý tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan, đơn vị lựa chọn phân công, bố trí cán bộ có trình độ, kiến thức giúp người đứng đầu tiếp công dân, có khả năng giải thích, thuyết phục người dân. Đồng thời nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền đối với công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với công dân.

Ba là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho người dân. Khi tuyên truyền, phổ biến, ngoài việc giải thích, phân tích cho người dân hiểu các quy định về quyền, nghĩa vụ, trình tự giải quyết, cần làm rõ thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong việc thực thi pháp luật về khiếu nại, tố cáo./.

Hồ Hương