Hàng chục năm qua, Quốc lộ 1 kết nối giao thông huyết mạch dọc chiều dài đất nước, dù đã mở rộng một số đoạn, vẫn quá tải đến mức đáng báo động, trong khi nhu cầu phát triển lại tăng cao. Hầu hết các khu vực dân cư lớn, các trung tâm kinh tế của đất nước đều gắn với tuyến giao thông trọng yếu này, tạo ra nút thắt cổ chai cho sự phát triển giao thông, giao thương, tăng trưởng kinh tế. Giao thông được ví như mạch máu của nền kinh tế. Các mục tiêu phát triển được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định phát triển hạ tầng cơ sở là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, vì vậy xây dựng hạ tầng giao thông vận tải với phương châm đi trước mở đường được xem là mũi nhọn đột phá.
Tuy nhiên, trong thực tế, sau hơn 16 năm kể từ thời điểm xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên, cho đến nay cả nước mới đưa vào khai thác 1163 km đường cao tốc. Tốc độ xây dựng bình quân chưa tới 75 km/năm, đạt chưa tới 20% như Nghị quyết 13-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra.
Nhấn mạnh chiến lược phát triển hạ tầng giao thông cao tốc Bắc – Nam là vấn đề hết sức quan trọng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đại biểu Phan Đức Hiếu- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, trong hơn hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế, làm suy giảm đầu tư, tạo ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp. Việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam đã tạo ra dư địa, động lực về đầu tư, tạo ra cơ hội kinh doanh, việc làm. Đó là một trong những động lực để phục hồi, phát triển kinh tế trong giai đoạn sắp tới.
Đại biểu Phan Đức Hiếu- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh việc xây dựng đường cao tốc là không hề dễ dàng, đòi hỏi sự tham gia của người dân và nhiều bên có liên quan. Để phê duyệt chủ trương đầu tư cho Đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, Quốc hội lần đầu tiên họp một Kỳ họp bất thường. Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ, cho thấy sự quyết tâm, khẩn trương và ý thức rất rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của cao tốc Bắc Nam.
Về những đột phá tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế triển khai dự án để có được mặt bằng sạch, đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết, trong triển khai dự án lần này, Chính phủ đã trình một số cơ chế đặc thù nhằm giảm bớt những thủ tục hành chính không cần thiết, tiết kiệm thời gian, qua đó sớm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng để triển khai thi công sớm. Trong Nghị quyết 43/2022/QH15, Nghị quyết 43/2022/QH15, Quốc hội đã cho phép Chính phủ áp dụng một số cơ chế như cơ chế chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn, gói thầu di dời, hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư…
Đại biểu Phan Đức Hiếu kỳ vọng, với kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đến năm 2030, hệ thống liên kết vùng hoàn thiện sẽ tạo tác động lan tỏa để phát triển mạnh mẽ kinh tế khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Theo đó, những dịch vụ hậu cần về hàng hóa, khách du lịch, những hoạt động sản xuất kinh doanh gắn liền với sự phát triển hạ tầng sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển. Tác động lan tỏa này làm nên ý nghĩa và tầm quan trọng lớn lao của tuyến đường cao tốc Bắc – Nam. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu, khách quan, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Đường bộ cao tốc gắn chặt với quá trình công nghiệp hóa.
Chỉ ra những ưu tiên trước mắt trong tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông trong năm 2030, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, việc xây dựng giai đoạn 2 của đường cao tốc Bắc – Nam là hạng mục quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2030. Khẳng định cơ sở hạ tầng là nền tảng thiết yếu, đại biểu nêu rõ, việc hoàn thành sớm các dự án này sẽ là cơ sở để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những giải pháp thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch bệnh.
Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, việc hoàn thành các dự án này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhưng cũng là thách thức lớn. Khối lượng công việc trong tương quan với giai đoạn 1 là lớn hơn rất nhiều, áp lực thời gian cũng lớn, trong khi còn phải ứng phó với nhiều biến động khác. Trong điều kiện như vậy, quyết tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành phải được duy trì cho đến khi hoàn thành dự án. Đặc biệt, nỗ lực thực thi trên thực tế rất quan trọng, dự án đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống, quyết tâm chung, sự cam kết vào cuộc của mọi bên có liên quan./.