ĐBQH LÊ XUÂN THÂN: CẦN SỚM SỬA ĐỔI LUẬT THƯƠNG MẠI VÀ LUẬT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

18/07/2022

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, góp ý vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà đề nghị Quốc hội cần sớm sửa đổi Luật Thương mại và Luật Trọng tài thương mại.


Đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà thống nhất về Tờ trình số 23 ngày 20/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và sửa đổi, bổ sung năm 2022. Trong đó, thống nhất với việc đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những điểm mạnh và những tồn tại.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Xuân Thân lưu tâm những vấn đề tồn tại gần như kéo dài rất nhiều kỳ họp và kể cả nhiều nhiệm kỳ trong công tác lập pháp, từ việc soạn thảo, gửi văn bản, nộp hồ sơ cũng như các chính sách thể hiện trong các quy phạm pháp luật trình lên Quốc hội. Tình trạng nợ đọng văn bản và nói chung là cách tổ chức thực hiện sau khi luật được Quốc hội thông qua.


Đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà.

Trước bất cập trên, đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, Quốc hội cần phải lưu tâm, giám sát, đôn đốc Chính phủ và các Bộ, ngành phải triển khai sớm, đồng bộ. Đề nghị Chính phủ nên có biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để bảo đảm chất lượng trình các dự án luật trình ra Quốc hội.

Ngoài ra, đại biểu Lê Xuân Thân cũng thống nhất đổi tên dự án Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở, trước kia là Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, đại biểu Lê Xuân Thân cũng thống nhất lùi thời gian dự thảo Luật Đất đai từ kỳ họp thứ tư, thứ năm và thông qua kỳ họp thứ sáu; thống nhất luôn các nội dung liên quan tới Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở trình vào kỳ họp thứ năm và Quốc hội sẽ xem xét thông qua cùng với Luật Đất đai vào kỳ họp thứ sáu. Đây là những vấn đề đã nêu trong tờ trình rất rõ.

Tham gia góp ý để thực hiện Chỉ thị, Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng công tác xây dựng pháp luật cũng như các kế hoạch trong Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các dự án luật đã được nêu rất rõ trong các phụ lục kèm theo Tờ trình, đại biểu Lê Xuân Thân lưu tâm đến hai văn bản luật mà nếu như có thể thì Quốc hội có thể chỉ đạo làm sớm hơn. Đó là Luật Thương mại và Luật Trọng tài thương mại.

Luật Thương mại Quốc hội ban hành vào năm 2005, tới nay đã 17 năm. Tình hình kinh doanh và hoạt động thương mại của đất nước chúng ta và kể cả kinh doanh quốc tế đều thấy phát triển gần như hằng ngày hằng giờ. Tuy nhiên, 17 năm qua có nhiều vấn đề liên quan tới thương mại điện tử. Hiện nay, thương mại điện tử điều chỉnh bằng nghị định, thông tư, chưa có sửa đổi luật căn bản trong Luật Thương mại 2005. Cho nên, cần thiết phải đặt vấn đề để các cơ quan soạn thảo và bên Chính phủ nghiên cứu sớm bổ sung, sửa đổi, ban hành mới Luật Thương mại 2005.

Tương tự như vậy, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực năm 2011 cho tới đây cũng hơn 10 năm. Với các thể chế giải quyết tranh chấp về tòa án, trọng tài, về phía Tòa án có Bộ luật Tố tụng dân sự đã được xem xét, sửa đổi, bổ sung mới. Nhưng trọng tài thương mại năm 2010 cho tới đây cũng chưa có một cơ chế thoáng, mở và giải quyết tranh chấp thương mại một cách hiệu quả để chúng ta có thể kêu gọi đầu tư và tất cả các hoạt động về giải quyết tranh chấp nhanh, hiệu quả, thông thoáng và công khai, minh bạch. Vì lý do đó, đại biểu nên đặt vấn đề để sửa hai luật này cùng với Luật Giao dịch điện tử và một số các văn bản luật đồng bộ với kinh tế thị trường của đất nước ta.

Ngoài ra, đại biểu Lê Xuân Thân đề xuất, trong Kế hoạch 81 và định hướng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên giao cho các cơ quan nghiên cứu đó là ban hành quy định cụ thể một luật là luật về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Các quy định từ Hiến pháp 1946 đến nay đều rất cụ thể và 4 nội dung Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và Thủ đô luôn luôn được Hiến pháp ghi nhận. Hiến pháp 2013 ghi nhận tại Điều 13, trong đó Thủ đô đã có Luật Thủ đô nhưng về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc gia thì hiện nay chúng ta điều chỉnh bằng nghị định và đặc biệt là thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vì vậy, đề nghị nên có định hướng soạn thảo và trình Quốc hội vì các nội dung này rất quan trọng để chúng ta thực hiện việc quy định luật đối với các văn các nội dung quan trọng mà Hiến pháp đã quy định.

Hiện nay, trong Bộ luật Hình sự đã có Điều 351 quy định về tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, trong này đã quy rất rõ những hành vi được coi là tội phạm. Trong Hiến pháp nêu rất rõ những nội dung cần thiết để gọi là Quốc kỳ. Vì vậy, cho nên tôi đề nghị tất cả các nội dung này phải thể hiện bằng văn bản luật và có thể giao cho các cơ quan soạn thảo và Chính phủ trình để Quốc hội xem xét./.

Bích Lan