Dự thảo Luật Tài nguyên nước quy định về quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nước dưới đất dưới đáy biển và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Ngày 14/8/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Ngay sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật theo ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An bày tỏ nhất trí với các nội dung trong Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đồng thời bày tỏ quan tâm đến nội dung quy định về việc cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong dự thảo Luật…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An
Theo đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Điều 54 của dự thảo Luật Tài nguyên nước hiện đang quy định giấy phép khai thác tài nguyên nước gồm: giấy phép khai thác nước mặt; giấy phép khai thác nước dưới đất; giấy phép khai thác nước biển.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trong dự thảo Luật lại chưa hề có quy định nào về thời hạn của các loại giấy phép này. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về thời hạn giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Đại biểu tỉnh Long An nêu rõ, thực tế việc cấp các loại giấy phép trong các lĩnh vực đều có thời hạn và gia hạn theo Luật định. Do vậy, việc bổ sung quy định thời hạn giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước là phù hợp, tránh tạo ra sự thiếu đồng bộ và tạo thành cơ chế xin - cho.
Liên quan đến quy định đăng ký cấp phép khai thác tài nguyên nước, đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị không quy định cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước đối với các hồ chứa thủy lợi trong trường hợp cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi bao gồm tưới cho cây trồng và cấp nước cho sản xuất muối, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, nhằm hạn chế lãng phí ngân sách nhà nước trong việc thực hiện cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước.
Đại biểu Trần Đình Gia cũng đề nghị, cần quy định rõ thời điểm lấy ý kiến cộng đồng dân cư và tổ chức cá nhân liên quan khai thác, sử dụng tài nguyên nước, trong đó nêu rõ thời điểm lấy ý kiến trong giai đoạn lập dự án đầu tư hay trong giai đoạn cấp phép. Đồng thời đề xuất đối với các dự án có công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước nêu tại Điều 54 đối với việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cần lồng ghép trong việc tham vấn đánh giá tác động môi trường nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian tổ chức thực hiện…
Ngoài ra, đại biểu tỉnh Hà Tĩnh cũng góp ý quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, qua đó đề nghị xem xét bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân trong trường hợp không vi phạm các điều cấm được nêu trong dự thảo luật. Bên cạnh đó, đề nghị xem xét bổ sung quy định đối với các dự án, công trình hồ đập được sửa chữa, nâng cấp, xây mới; còn đối với các hồ đập đang khai thác sử dụng không có công trình để xả dòng chảy, khi công trình được nâng cấp sửa chữa cần bổ sung công trình để đảm bảo dòng chảy tối thiểu.
Đồng thời, cân nhắc quy định giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức xây dựng quy chế phối hợp vận hành giữa các đập, hồ chứa bậc thang trên sông suối. Bởi thực tế điều kiện, nhân lực, nguồn lực quản lý về tài nguyên nước tại địa phương hiện nay còn thiếu và yếu chưa đảm bảo để thực hiện nội dung này./.