Đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ từ đầu năm 2023 đến nay, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, trong bối cảnh năm 2023 có rất nhiều khó khăn, thách thức, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường nhưng với quyết tâm chính trị rất cao, quyết liệt, trách nhiệm và nỗ lực rất lớn, Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều chính sách, nghị quyết, chỉ thị, công điện… để tháo gỡ khó khăn, làm chuyển biến tình hình và đạt được nhiều thành công đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 4,24% là kết quả của rất nhiều nỗ lực của Chính phủ và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Góp ý vào giải pháp hoàn thành các mục tiêu KT-XH trong thời gian còn lại của năm 2023, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu tỉnh Bến Tre lưu ý một số vấn đề trọng tâm cần chú trọng liên quan đến đến hành kinh tế vĩ mô, các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng;.. Cụ thể:
Về điều hành kinh tế vĩ mô, để kiểm soát lạm phát, giải pháp của Việt Nam hơi khác quốc tế, trong khi thông lệ quốc tế thường tăng lãi suất để kéo lạm phát xuống thì ở Việt Nam liên tục giảm lãi suất điều hành (cũng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay nhưng hơi trái quy luật, khó hút vốn lưu hành). Hiện nay, vấn đề đồng tiền mất giá, sẽ thuận lợi cho xuất khẩu nhưng lại bất lợi cho nhập khẩu vì phần lớn doanh nghiệp nhập nguyên liệu đầu vào để sản xuất, có những ngành nhập đến 80% nguyên liệu nên doanh nghiệp sẽ hạn chế nhập, nếu nhập chi phí cao, dẫn đến giá thành hàng hóa tăng, bất lợi. Bên cạnh đó, qua 04 lần điều chỉnh giảm lãi suất điểu hành (giảm từ 0,5-2%) nhưng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp chỉ giảm 1%, lãi vay còn khá cao; vốn thừa nhưng doanh nghiệp tiếp cận vốn vay còn khó. Để tiếp cận vốn vay, các Ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải thế chấp, thường thế chấp bằng tài sản, bất động sản.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cũng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, họ có các hợp đồng xuất khẩu nhưng ngân hàng thường yêu cầu thế chấp bằng bất động sản, hiếm chấp nhận thế chấp bằng các hợp đồng (khác với các tổ chức tín dụng nước ngoài), nhiều doanh nghiệp vay không còn tài sản, bất động sản để thế chấp. Kết quả tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm chỉ có 6,92%, trong khi chỉ tiêu đề ra là 14-15%, nguồn vốn cho vay thì không thiếu nhưng vấn đề là cần tìm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre
Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, cần có sự hài hòa, chia sẻ giữa tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua các khó khăn, thách thức hiện nay. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần cân nhắc các giải pháp để kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn phải kiên định trong điều hành chính sách tín dụng, để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Về tăng trưởng kinh tế, với nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, kết quả đạt được khá tốt, tuy nhiên, khu vực II đạt thấp, liên quan đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt tập trung hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp, trước mắt là tập trung tháo gỡ các khó khăn do quy định pháp luật còn chồng chéo, vướng mắc. Đồng thời, cần nghiên cứu lại thời gian áp dụng của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cho phù hợp với năng lực hấp thu của doanh nghiệp và quá trình sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh hoàn thuế hợp pháp cho doanh nghiệp, tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp sản xuất.
Cũng theo đại biểu, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến chỉ tiêu tạo việc làm cho người lao động. Cho rằng, nhiều nước đã tiến hành công bố số lượng việc làm hàng tuần, hàng tháng, đại biểu đề nghị Chính phủ trong giao nhiệm vụ thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, cần nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các cấp xem chỉ tiêu tạo việc làm cho người dân là “sinh mệnh chính trị” của bản thân. Cần thống kê trong năm, trong nhiệm kỳ của một lãnh đạo, đã tạo được bao nhiêu việc làm cho người dân - việc làm thực chất mà người dân được hưởng lợi. Việc thống kê số lượng việc làm trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hiện nay theo đại biểu vẫn còn chưa thật sát với thực tế và còn ước lệ.
Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì gói hỗ trợ về tín dụng và gói kích cầu. Theo đại biểu nên kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2024 để hoàn thiện các công trình, dự án, vì tỉ lệ giải ngân còn rất thấp. Ngoài ra, trong bối cảnh cùng lúc cả nước triển khai nhiều chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, đường cao tốc, dự án liên vùng, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, dự án thuộc Chương trình đầu tư công trung hạn…cần có sự chỉ đạo, điều phối cho hài hòa các nguồn vốn, dự án nào thiếu vốn thực sự, dự án nào mang lợi ích chung cho địa phương, khu vực…thì tập trung bố trí vốn để hoàn thành dứt điểm, tránh quá nhiều dự án nhưng không đủ vốn, kéo dài sang giai đoạn trung hạn tới.
Ngoài ra, liên quan đến các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có vấn đề giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, đại biểu cho rằng thực tế có nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ. Để khắc phục tình trạng này, đại biểu kiến nghị Chính phủ trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn nên xem xét tách nguồn vốn nước ngoài ra khỏi Kế hoạch vốn đầu tư công chung, theo dõi giải ngân riêng dựa trên Hiệp định vay đã ký,../.