Toàn cảnh Phiên họp của Hội đồng Dân tộc cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, địa phương hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; đồng thời, tổ chức các cuộc làm việc với đại diện các Bộ, ngành, địa phương để chỉnh lý dự thảo Luật; gửi dự thảo Luật để xin ý kiến Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung về quy hoạch, các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương ở tỉnh … nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị HCKTĐB. Các quy định trong dự thảo Luật về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy... được tiếp thu trên cơ sở nguyên tắc phải bảo đảm tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế, có thể khác với các luật hiện hành nhưng trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhân dân.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Phiên họp
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, dự thảo Luật đã được chỉnh lý về tên gọi, nội dung và bố cục gồm 6 chương, 84 điều và 6 Phụ lục, kèm theo Nghị quyết về việc thi hành Luật. Đối với những nội dung mang tính chính sách được bổ sung mới hoặc có sự thay đổi cơ bản so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã báo cáo, xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại khoản 7 Điều 55 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp, đại biểu Quốc hội Phương Thị Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, chính quyền địa phương ở đặc khu gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân với những đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, việc không tổ chức Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân cần được cân nhắc kỹ.
Đại biểu Quốc hội Phương Thị Thanh phát biểu tại Phiên họp
Theo đại biểu: “Nếu không có thường trực, các nội dung trình Hội đồng nhân dân có thẩm tra không và ai sẽ là người thẩm tra nội dung này. Bên cạnh đó, các công việc thường xuyên xin ý kiến của Hội đồng nhân dân sẽ xử lý như thế nào?". Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, Luật đơn vị HCKTĐB khi có hiệu lực sẽ có rất nhiều văn bản hướng dẫn, có thể dẫn đến chồng chéo trong thực hiện. Vì thế, nhiều nội dung cụ thể cần được đưa ngay vào trong luật, không nên chờ văn bản hướng dẫn.
Về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại 3 đặc khu, dự thảo Luật quy định 131 ngành nghề, tăng 23 ngành, nghề so với danh mục Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Nhiều đại biểu chỉ rõ, vấn đề thu hút đầu tư ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh cần tính toán kỹ để đầu tư có hiệu quả. Khi ưu đãi để thu hút đầu tư cần tính đến ngành, nghề địa phương đang cần để phát triển, tránh sự lãng phí.
Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan phát biểu tại Phiên họp
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị dự thảo Luật quy định rõ chính sách quản lý công dân tại đặc khu, làm rõ người dân sống tại đặc khu có khác gì so với các đơn vị hành chính khác và cách thức quản lý dân cư ở đơn vị hành chính khác khi vào sống tại đặc khu. Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan cho rằng, dự thảo Luật có nhiều điều khoản quy định ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư, cụ thể ưu đãi thuế thu nhập cá nhân (Điều 40), ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Điều 41), ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (Điều 43)… Tuy nhiên, cần rà soát lại các quy định này tránh tình trạng ưu đãi rất lớn nhưng giá trị gia tăng mà các dự án đầu tư mang lại không cao.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu băn khoăn về vấn đề sở hữu đất nêu trong dự thảo Luật và đề nghị nên quy định thời hạn thuê đất là 70 năm, chỉ gia hạn hợp đồng thuê đất nếu doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định tại địa phương./.