HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI TỔ CHỨC HỘI NGHỊ LẤY Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ DỰ ÁN LUẬT

23/04/2019

Ngày 22/4, tại Thành phố Hải Phòng, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào các dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Tham dự hội nghị có các Phó Chủ tịch; các Uỷ viên thường trực, thành viên của Hội đồng dân tộc; các chuyên gia; các Đại biểu Quốc hội; đại biểu hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng, cùng đại diện các cơ quan soạn thảo các Luật; đại diện các bộ ngành liên quan.

Thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, các đại biểu tập trung làm rõ tính khả thi của dự án Luật, đặc biệt là việc thực hiện tại địa bàn dân tộc thiểu số miền núi. Vai trò cũng như chính sách quản lý nhà nước trong việc phòng chống tác hại rượu, bia được nhìn dưới cả góc độ sức khoẻ, kinh tế, văn hoá, truyền thống. Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận về các hành vi, quy định về quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia; các biện pháp quản lý rượu thủ công, kinh phí cho hoạt động phòng chống tác hại rượu, bia.

Theo nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tỷ lệ uống rượu ở nam giới người dân tộc Nùng là hơn 76%; dân tộc Dao là gần 81 %, Dân tộc Mường là hơn 84%; Dân tộc Tày là gần 86%. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vùng có nhiều phong tục tập quán liên quan đến rượu bia, vì vậy đây cũng là khu vực cần có những nghiên cứu cụ thể để khi đưa vào các nội dung vào dự thảo Luật đảm bảo được tính khả thi. Theo ông Lê Nam, nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá, hiện nay sử dụng nhiều nhất vẫn là rượu nấu thủ công và khu vực dân tộc thiểu số miền núi, nông thôn vẫn sử dụng nhiều hơn. Tuy nhiên khi quản lý thì cần lưu ý có những quy định phù hợp với các khu vực và có lộ trình bởi để ngay lập tức bắt những người dân tộc thiểu số ở rất xa để đi một quảng đường xa đến đăng ký nấu chỉ một nồi rượu để uống thì không khả thi.

 Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu phát biểu kết luận nội dung làm việc

Nhiều đại biểu khác cho rằng việc quản lý rượu bia sẽ gặp nhiều khó khăn do văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều phong tục tập quán liên quan đến sử dụng rượu bia.

Phát biểu kết luận buổi làm việc Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu cho biết việc triển khai thực hiện Luật sẽ không làm triệt tiêu những truyền thống văn hoá tốt đẹp của các dân tộc. Tuy nhiên cần phải điều chỉnh, đổi mới văn hoá ruống rượu. Ông Giàng A Chu cũng cho biết những cơ sở lý luận và thực tiễn thu nhận được trong hội nghị này sẽ được Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tiếp thu và chuyển đến ban soạn thảo đồng thời đây cũng là những nội dung quan trọng giúp các đại biểu quốc hội đóng góp ý kiến vào dự thảo trong thời gian sắp tới.

Góp ý vào góp ý vào dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề lớn như vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các thiết chế hành chính nhà nước, cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, tổ chức chính quyền địa phương ở hải đảo, đặc biệt nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề hoạt động của Hội đồng nhân dân, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.

Ông Lê Nam - nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá, cho rằng cần phải làm rõ cơ sở việc giảm số lượng đại biểu hôi đồng nhân dân bởi tỷ lệ số lượng đại biểu hội đồng nhân dân hiện nay so với số dân thì chưa nhiều, trong khi đó hội đồng nhân dân thực tế cần phải xử lý nhiều công việc liên quan đến việc ban hành các nghị quyết ở địa phương, hơn nữa nhiều đại biểu hội đồng nhân dân là kiêm nhiệm với phụ cấp không cao nên việc giảm số lượng đại biểu không làm giảm biên chế và giảm ngân sách đáng kể. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng cần phải tăng chế tài trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, việc này cũng sẽ làm tăng uy tín của Hội đồng nhân dân.

Giải trình về vấn đề này, đại diện của cơ quan soạn thảo, Ông Phan Trung Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, cho rằng việc giảm đại biểu Hội đồng nhân dân theo đúng nghị quyết của Đảng và Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ là chỉ giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm thuộc khối hành chính, không giảm số lượng đại biểu chuyên trách. Phần trăm đại biểu chuyên trách sẽ được Quốc hội quyết định vào trước kỳ bầu cử.

Đây là dự thảo Luật lần đầu trình Quốc hội nên nhiều vấn đề khác cũng được các đại biểu quan tâm như vấn đề biên chế tối thiểu, quyền hạn của Thủ tướng, việc cụ thể hoá hiến pháp 2013 về mô hình tổ chức Chính phủ và chính quyền địa phương, biên chế tối thiểu,......đặc biệt là vấn đề xác định địa giới hành chính cấp xã cần quy định rõ có diện tích như thế nào, dân số bao nhiêu, điều kiện tự nhiên xã hội dân số thế nào để tránh tình trạng tách nhập các đơn vị hành chính như vừa qua… Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị trong Luật cần  xác định rõ 5 tiêu chí để xác định địa giới hành chính gồm diện tích, dân số, điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế xã hội, yếu tố dân tộc. Có thể có tỷ lệ khác nhau nhưng cần phải dựa trên 5 tiêu chí đó. Chỉ khi xử lý mối quan hệ giữa 5 tiêu chí này thì mới xác định được địa giứi hành chính từ đó quyết định bộ máy, biên chế và ngân sách. Thừa nhận bất cập này trong thực tiễn hiện nay, đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng cần phải có sự điều chỉnh dự thảo trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho biết những ý kiến đóng góp quan trọng tại buổi làm việc sẽ được Hội đồng Dân tộc tổng hợp và có văn bản gửi Ban soạn thảo để nghiên cứu điều chỉnh, đồng thời Hội đồng Dân tộc sẽ tiếp tục thảo luận tại các phiên họp tới đây nhằm đưa ra những ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Phan Xanh - Thế Anh