Thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), đa số ý kiến đại biểu đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh.
Đối với quy định về hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án 2 như dự thảo nêu, gồm cả hình thức đầu thầu. Theo đại biểu, việc thực hiện đấu thầu tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân và phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu. Đồng thời đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Về phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại. Trong đó, chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.
Tán đồng với nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đề nghị bổ sung cách hiểu về vị trí, vai trò của điện ảnh. Theo đại biểu, ngoài nội dung đã nêu cần hiểu điện ảnh là phương thức đặc biệt hữu hiệu để củng cố bồi đắp sức mạnh mềm quốc gia. Bên cạnh đó, cần có cách tiếp cận mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa đối với điện ảnh trong bối cảnh mới, nhằm đem lại cơ hội phát triển mang tính bứt phá.
Đối với quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (Điều 43), đại biểu Nguyễn Hải Anh cho rằng việc quy định tại Luật Điện ảnh (sửa đổi) là cần thiết. Theo đại biểu, nguồn của Quỹ không chỉ là ngân sách nhà nước mà chủ yếu phải thu hút từ các nguồn lực xã hội; việc vận hành quản lý và chi Quỹ này ủy quyền cho Hội đồng quản lý Quỹ và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chính phủ đã có tiếp thu, giải trình nhiều nội dung cụ thể. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để nâng tầm nhận thức vấn đề ở một tầm nhìn xa hơn bởi đây là luật sửa đổi toàn diện chứ không phải sửa đổi bổ sung một số vấn đề.
“Trong những năm qua, nền điện ảnh Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ chuyển từ thuần túy 1 ngành dịch vụ giải trí công ích nhà nước bao cấp sang tự chủ và tiến tới là ngành kinh tế có đóng góp vào thu nhập quốc dân. Nhưng không bỏ qua mục đích đời sống văn hóa tinh thần, nhiệm vụ chính trị của ngành điện ảnh. Đây là ngành tổng hợp rất quan trọng, vừa là lĩnh vực văn hóa, tinh thần đời sống nhưng cũng là lĩnh vực kinh tế, tạo ra thu nhập. Vì vậy, luật sửa đổi phải thể hiện được tinh thần này …”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cách tiếp cận xây dựng dự án Luật phải rộng hơn, toàn diện hơn thì mới đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. “Sau khi sửa đổi Luật Điện ảnh phải tạo được bước phát triển đột phá cho nền điện ảnh Việt, thu hút điện ảnh nước ngoài đến Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác sản xuất điện ảnh; không chỉ bó hẹp làm phim, sản xuất phim, phổ biến phim.. “, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đối với hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim; đối với quy định phổ biến phim trên không gian mạng, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại.
Tuy nhiên, đối với quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, Phó Chủ tịch Quốc hội tán thành đề xuất của Chính phủ, quy định về việc thành lập Quỹ Qỗ trợ phát triển điện ảnh; mục đích và nguyên tắc hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh rất là cần thiết, luật hiện hành cũng đã quy định nhưng vấn đề là cơ chế bố trí nguồn vốn cho Quỹ như thế nào cho hợp lý. Quỹ này cần tiến tới là Quỹ của các cơ sở điện ảnh, của các nhà đầu tư. “Nhà nước chỉ hỗ trợ ban đầu, sau đó các doanh nghiệp có thu nhập thì nộp vào Quỹ và do hiệp hội quản lý để phát triển ngành nghề, …” phải có tư duy mới về vấn đề này, đề nghị tiếp tục đưa vào luật và giao Chính phủ có cơ chế ban hành quy định cụ thể và có cơ chế tạo nguồn thu ổn định cho quỹ theo hướng Quỹ này hỗ trợ ban đầu, sau đó các doanh nghiệp điện ảnh, cơ sở điện ảnh, những người làm công tác điện ảnh, xã hội đóng góp để giao Hiệp hội đứng ra tổ chức quản lý để phát triển ngành nghề”. Quỹ này là quỹ xã hội, nhà nước chỉ hỗ trợ ban đầu.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu còn thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Về nội dung này, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Việc sửa đổi, bổ sung các danh hiệu thi đua; Về thẩm quyền đề nghị khen thưởng; Hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; Quy định về khen thưởng đối với khối Quốc hội; ….
Nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng, một số ý kiến đại biểu cho rằng, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ các thành phần hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm; dự thảo đã bổ sung hoàn thiện nhiều nội dung, cập nhật số liệu trong các báo cáo thành phần trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra,... Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo: tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về pháp luật; cụ thể hóa các nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng và quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số trong các quy định về tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong dự thảo Luật;…/.