DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA 08 LUẬT: THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH VÀ QUY TRÌNH, THỦ TỤC

08/12/2021

Tại phiên họp thứ 6 diễn ra vào sáng 08/12, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thống nhất dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường và bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật) gồm 10 điều, trong đó 08 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 08 luật hiện hành, 01 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 01 điều quy định về hiệu lực thi hành. Việc xây dựng, ban hành Luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Về quan điểm xây dựng dự án Luật, chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; tăng cường phân quyền đồng thời bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước.

Tăng cường phân quyền trong đầu tư công

Về nội dung cơ bản của dự án Luật, liên quan đến Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b, c và d khoản 4 Điều 17, bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 17 và sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 25 Luật Đầu tư công theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của cá nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Để đảm bảo các dự án đầu tư nhóm B và C được thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn khi phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư công quy định Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước, vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) trong phạm vi tổng số kế hoạch vốn trung hạn được Quốc hội quyết định cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương để làm căn cứ thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc sửa đổi các quy định liên quan đến Luật Đầu tư công vì: Thứ nhất, quy định như hiện nay nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ việc vay vốn nước ngoài, bảo đảm an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia; Thứ hai, trường hợp phân cấp cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có thể dẫn đến tình trạng quyết định chủ trương đầu tư ban đầu thấp sau đó điều chỉnh lên mức cao. Đề nghị Chính phủ đánh giá tác động cụ thể, xem xét thận trọng về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Đối với dự án nhóm A của địa phương sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị chuyển sang thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tương tự như các dự án nhóm B, C.

Bên cạnh đó, đề nghị dự thảo Luật quy định rõ việc phân cấp thẩm quyền trong điều chỉnh chủ trương đầu tư chỉ áp dụng trong trường hợp không làm thay đổi phân loại dự án, trường hợp làm thay đổi phân loại dự án cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi điều chỉnh dự án. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định về trình tự, thủ tục tại điểm c khoản 1 Điều 23, Điều 25, Khoản 2 và 3 Điều 35 và các quy định có liên quan khác trong Luật Đầu tư công để điều chỉnh đồng bộ.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  đề nghị Chính phủ nghiên cứu thêm việc phân cấp ủy quyền cho các dự án nhóm A sử dụng vốn ODA như đối với các dự án nhóm B, C. Đồng thời, cân nhắc bổ sung thêm quy định trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư làm thay đổi phân loại dự án đầu tư cần xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo quản lý chặt chẽ hơn và cũng cần làm rõ trách nhiệm, phân cấp cho người đứng đầu của Bộ, ngành; trách nhiệm phân cấp cho chính quyền địa phương là khác nhau cần phải được tách bạch.

Phân quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân

Liên quan đến Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Điều 2, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo hướng: Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Đồng thời, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Riêng đối với dự án nhóm A, tương tự như Luật Đầu tư công, Chính phủ đề nghị giữ nguyên thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư hiện hành (Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư) mà không phân cấp cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh 

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 12 của Luật PPP, thống nhất với nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Đầu tư công. Đề nghị tiếp tục rà soát kỹ quy định của các luật khác có liên quan, trường hợp bổ sung phân cấp thẩm quyền cả đối với dự án nhóm A sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại quy định của Luật Đầu tư công, đề nghị sửa đổi, bổ sung tương ứng tại Luật PPP để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thi hành quy định này, cần nâng cao hiệu quả việc thực hiện các cơ chế kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, cơ chế chịu trách nhiệm khi được phân cấp theo quy định tại Luật PPP, bảo đảm chặt chẽ.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ cần rà soát, sửa đổi đồng bộ với nội dung sửa đổi Luật đầu tư công và chú ý các quy định về phân loại các dự án có liên quan đến hỗn hợp dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và một số nguồn vốn khác.

Tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương

Liên quan đến Luật Đầu tư, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 32 để thực hiện phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 31, điểm b khoản 1 Điều 32 để phân quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhân là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Đồng thời, bổ sung điểm g vào khoản 3 Điều 33 quy định về nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư gồm “Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa (đối với dự án đầu tư thuộc phạm vi khu vực bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt quy định tại điểm g khoản 1 Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 32 Luật này)”.

Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở) theo hướng: Quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai; thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Đồng thời, để bảo đảm tính minh bạch, chặt chẽ, dự thảo Luật bổ sung quy định, sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác thuộc dự án đầu tư (nếu có) sang đất ở và nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Để bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi; đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể việc phân cấp để bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi.

Đối với dự án đầu tư thuộc phạm vi bảo vệ của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, để làm rõ sự cần thiết, tính cấp bách, đề nghị Chính phủ cung cấp thông tin về các trường hợp cụ thể tại khu vực bảo vệ II của các di tích đang gặp vướng mắc trong thực tiễn thực hiện quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư, báo cáo rõ các vướng mắc do quy định của Luật hay do văn bản dưới luật và quá trình tổ chức thi hành. Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục rà soát điểm g được bổ sung vào khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư bảo đảm thống nhất với khoản 3 Điều 32 Luật Di sản văn hóa, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Cơ bản thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở), cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tổng kết đầy đủ, khách quan về thực trạng triển khai thi hành quy định hiện hành, đánh giá toàn diện các tác động của chính sách; tiếp tục chỉnh lý phương án quy định 03 hình thức sử dụng đất đối với chủ đầu tư có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, bảo đảm tính chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan, tránh tình trạng phát triển một cách tràn lan, manh mún, gây khó khăn cho Nhà nước trong việc thu hồi đất, quy hoạch phát triển các đô thị quy mô lớn, ảnh hưởng đến lợi ích xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại điểm c, khoản 1 Điều 75 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở cần tiếp tục rà soát để đảm bảo quản lý chặt chẽ đất đai theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, tránh sơ hở dẫn đến trục lợi chính sách, thất thoát lãng phí tài sản đất đai, tài nguyên quốc gia; đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, cộng đồng và người dân cũng như nhà đầu tư có quyền sử dụng đất. Đồng thời, đảm bảo quản lý tài sản công theo quy định pháp luật; chú ý sửa đổi các nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất;...

Bên cạnh đó, cần lưu ý thêm một số nội dung như: Phân loại quy mô các dự án có liên quan giữa dân số và quy mô về diện tích của dự án đảm bảo tính phù hợp; Chú ý đến dự án có liên quan về vấn đề quản lý theo luật về di sản văn hóa; Chú ý nghiên cứu sửa đổi tiếp thu các ý kiến quy định về sửa đổi, sửa chữa nhà chung cư để đảm bảo việc sửa chữa các khu chung cư cũ đảm bảo quy hoạch tổng thể;...

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất một số chính sách mới liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự./.

Lê Anh