Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7
Dự thảo Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) gồm 04 Chương, 18 Điều. Đối với những nội dung sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật đã bám sát theo 05 nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) gồm: Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; hoàn thiện các quy định về giá tính thuế giá trị gia tăng; hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng; hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; hoàn thiện các quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng.
Liên quan tới nội dung hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng, dự thảo Luật đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% từ 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ xuống còn 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng thời bỏ 02 loại hàng hóa. Cụ thể, bỏ 03 nhóm hàng hóa, dịch vụ (thực phẩm tươi sống, lâm sản chưa qua chế biến; đường, phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn; hoạt động văn hóa, hoạt động triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim) và 02 loại hàng hóa (nhựa thông sơ chế; các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học).
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang
Bàn về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho biết, khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật sửa đổi theo hướng chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang nhóm hàng hóa áp dụng mức thuế 5% và bổ sung quy định áp dụng thuế suất 5% đối với nhóm hàng hóa các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đại biểu nhận thấy, mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên nhiều nước đều thiết kế chính sách theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Nhiều nước đã thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau với nhiều thách thức khác nhau. Hiện nay, trên thế giới, nhiều nước như Mỹ, Thái Lan, Lào, Myanmar, Philippines, Pakistan,... vẫn không thu thuế giá trị gia tăng, thuế bán hàng đối với phân bón.
Dẫn chứng báo cáo của Bộ Tài chính, đại biểu tỉnh An Giang nêu rõ, nếu tăng thuế giá trị gia tăng, chỉ riêng mặt hàng phân bón tăng thu 6.200 tỷ đồng, trong đó chưa tính tới các mặt hàng máy móc, thiết bị nông nghiệp. Trong khi đó, nông nghiệp, nông dân Việt Nam đa phần là sản xuất nhỏ lẻ. Nếu tăng giá đầu vào sẽ làm tăng giá sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp và tăng chi phí của người nông dân. Người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung đều lo ngại trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu gây ra tình trạng mất mùa, nếu phân bón và vật tư nông nghiệp tăng cao lại tiếp tục gây ra sự lo lắng với nỗi lo thua lỗ.
Trên cơ sở ý kiến của cử tri, đại biểu đề nghị cần đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn và hết sức cân nhắc trước những tác động của việc sửa đổi tăng thuế giá trị gia tăng đối với phân bón và các loại vật tư nông nghiệp, máy móc, thiết bị đầu vào của sản xuất nông nghiệp, nhất là những tác động đối với người nông dân. Đại biểu nhấn mạnh, cử tri và nhân dân mong muốn việc sửa đổi chính sách phải đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa giữa lợi ích của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với quyền lợi của người tiêu dùng theo quy định của Luật Giá đối với mặt hàng phân bón, đồng thời phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước trong việc ưu tiên, hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang
Cũng quan tâm tới nội dung này, đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang nhận thấy, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước là rất cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần cân nhắc, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Lý giải quan điểm trên, đại biểu chỉ rõ, phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Ba loại phân bón (phân đạm, phân DAP, phân NPK) là một trong chín loại hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Giá thành phân bón liên quan trực tiếp đến chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, người chịu thuế giá trị gia tăng là người tiêu dùng cuối cùng. Vì vậy, nếu chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5%, người nông dân là người trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp sẽ chịu tác động lớn của quy định này.
Đặt vấn đề, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được khấu trừ thuế đầu vào, không phải tính vào giá thành sản phẩm phân bón, nhưng ngược lại phân bón lại phải chịu thuế 5% sẽ tác động như thế nào đến giá thành phân bón trên thị trường trong nước? Với quyết định này, giá phân bón sẽ tăng hay giảm bao nhiêu? Đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn với quyết định chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%; tiếp tục cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhiều mặt, cả tác động từ phía các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng như phía người nông dân trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp; việc tác động đến giá thành phân bón trên thị trường trong nước đối với đề xuất chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5%.
Về quy định máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế suất 5%, đại biểu đề nghị cần cân nhắc, đánh giá tác động kỹ hơn, nhất là tác động đến sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản xa bờ, tác động đến nông dân, ngư dân. Việc chuyển sang thuế suất 5% ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành máy móc, thiết bị chuyên dụng này, đây cũng là các phương tiện sản xuất chủ yếu của người nông dân, ngư dân, phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp và liên quan đến việc vươn khơi, bám biển của ngư dân.
Đối với việc chuyển dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích sang đối tượng chịu thuế suất 10%, đại biểu tỉnh Kiên Giang nêu rõ, cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông công ích là một trong những chính sách an sinh trong lĩnh vực bưu chính viễn thông. Nguyên tắc của hoạt động bưu chính công ích là bảo đảm cung ứng dịch vụ bưu chính thiết yếu cho xã hội, giá cước phù hợp với khả năng thanh toán của người dân; còn hoạt động viễn thông công ích được thực hiện theo nguyên tắc phổ cập dịch vụ viễn thông, trong đó ưu tiên khu vực biên giới, miền núi, vùng cao, bãi ngang, ven biển và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Quỹ dịch vụ viễn thông công ích hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Do đó, đại biểu cho rằng cần cân nhắc đánh giá ảnh hưởng đến nguồn kinh phí hỗ trợ chương trình viễn thông công ích và giá cước dịch vụ bưu chính công ích.
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Danh Tú nhận thấy, dự thảo Luật có nhiều quy định mới góp phần quan trọng hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu. Tuy nhiên, theo đại biểu, một số quy định trong dự thảo Luật cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhất là đối với một số hàng hóa, dịch vụ chuyển đổi từ đối tượng không chịu thuế sang chịu thuế suất 5%, 10%; từ đối tượng hưởng thuế suất ưu đãi 5% sang chịu thuế suất 10%; đặc biệt là đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, lĩnh vực công ích, giáo dục, nghiên cứu khoa học,....
Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng
Cùng quan điểm, đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng cần sửa đổi Luật theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 0%. Phân tích rõ hơn quan điểm trên, đại biểu cho biết, trong Thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Hình hài của đất nước Việt Nam, vóc dáng của dân tộc Việt Nam hôm nay là do nông dân tạc vào lịch sử, truyền thống và văn hóa của người Việt là cho nông dân và các tầng lớp trí thức, tinh hoa tạo dựng". Bên cạnh đó, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ, tam nông là vấn đề hệ trọng, khó và phức tạp nên bất kỳ chính sách hay chủ trương, đường lối nào có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn đều phải là chính sách "vì người nông dân, từ người nông dân".
Cũng theo đại biểu, Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu. Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2030, tổ chức không gian phát triển theo 6 vùng, trong đó có vùng đồng bằng sông Cửu Long được dự báo vừa phải chịu sự tác động gay gắt từ biến đổi khí hậu, vừa chịu sự tác động khác phức tạp, khó lường. Song song đó, theo xu thế và khuyến cáo, hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Bên cạnh giá phân bón vô cơ diễn biến phức tạp thì thị trường phân bón hữu cơ được dự đoán cũng sẽ tăng trưởng với tốc độ kép. Do đó, nếu dự thảo Luật đưa mặt hàng phân bón là đối tượng chịu thuế suất với mức thuế suất 5% sẽ tăng áp lực cho nông dân trong điều kiện ngành nông nghiệp chịu nhiều tổn thương nhất.
Đại biểu tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, việc hỗ trợ của Nhà nước là chất xúc tác để phát triển hiệu quả các thành phần kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hiện nay, nông dân Việt Nam chiếm khoảng 62% trong dân cư nhưng đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 14% tổng đầu tư ngân sách nhà nước là chưa thỏa đáng. Chính vì vậy, việc đưa phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% thì Chính phủ đã hỗ trợ khoảng 2000 tỷ đồng cho nông dân và doanh nghiệp. Đây được xem là một trong những hành động của Chính phủ hướng tới cắt giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, ổn định thị trường phân bón trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao.
Quan tâm tới nội dung mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, trừ trường hợp cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan (điểm a khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật), đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng cần cân nhắc thay cụm từ "tiêu dùng trong khu phi thuế quan" bằng cụm từ "phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức trong khu phi thuế quan". Đại biểu chỉ rõ, điểm b khoản 1 Điều 9 cũng không đề cập đến việc cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan nên dẫn đến nhiều cách hiểu chưa thống nhất đối với hoạt động cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan. Do đó, cần cân nhắc, xem xét chỉnh sửa lại để thống nhất áp dụng khi Luật được ban hành.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thủ tục, hồ sơ và điều kiện áp dụng thuế suất, thuế giá trị gia tăng 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Trong khi đó, các khái niệm về vận tải quốc tế, dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế cũng cần được quy định chi tiết. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể hoặc bổ sung phần giao nhiệm vụ cho Chính phủ hoặc Bộ Tài chính quy định chi tiết để triển khai thực hiện đảm bảo sự thống nhất./.