ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NGÃI: CẦN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ ĐỂ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI

04/01/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 04/01, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tại điểm cầu Quảng Ngãi, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Ánh Sương chủ trì phiên thảo luận.

 

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH, các ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi thống nhất với sự cần thiết ban hành nghị quyết. Các đại biểu cho rằng, việc ban hành chính sách để thực hiện Chương trình tại thời điểm hiện nay là phù hợp, cấp thiết. Các giải pháp, chính sách cần phải nhanh chóng thực hiện để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển hằng năm, 5 năm, 10 năm; không để lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế của khu vực và thế giới.

Về phương án huy động nguồn lực, tại Điều 4 của dự thảo nghị quyết, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị, cần phải phân định rõ các phương án huy động vốn và hợp lý hơn; qua đó viết, bố cục lại theo tính chất, các loại nguồn vốn huy động để có chính sách, tổ chức thực hiện; cũng như đánh giá kết quả thực hiện rõ hơn trong việc huy động từng nguồn lực, giúp điều hành chính sách linh hoạt, hiệu quả.

Về quy mô tổng thể chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, các đại biểu đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tán thành với quan điểm thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đề nghị Chính phủ bổ sung, tính toán lại số liệu để làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ.

“Việc tính toán được quy mô hỗ trợ cụ thể của cả các chính sách tiền tệ; chính sách tài khóa và chính sách khác là cần thiết để đánh giá được khả năng, nguồn lực huy động vốn; xây dựng các phương án huy động vốn phù hợp; tính toán khả năng hấp thụ nguồn vốn; kiểm soát lạm phát, nợ xấu và an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng có hiệu quả”, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương nhận định.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Ánh Sương phát biểu thảo luận.

Về khả năng hấp thụ vốn, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đồng tình với quan điểm (quy định tại khoản 3 Điều 1) quy định: Chính sách, giải pháp hỗ trợ khả thi, kịp thời, hiệu quả, có khả năng hấp thụ nhanh, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá, tạo động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ của nền kinh tế trong trung và dài hạn”. Và việc, chi đầu tư phát triển phải bảo đảm nguyên tắc điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công trong Chương trình để ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong hai năm 2022- 2023 (tại Điều 3 về Các giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH).

Tuy nhiên, trong bối cảnh mà Tờ trình của Chính phủ đã nêu ra: ”Trong năm 2020-2021, do tác động của dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế liên tiếp giảm ở mức thấp, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021-2025. Tình hình sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ gặp nhiều khó khăn; nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức về ổn định vĩ mô, lạm phát; chi phí đầu vào gia tăng; chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị đứt gãy; nảy sinh các vấn đề về lao động, việc làm, an sinh, an ninh và trật tự an toàn xã hội...”.

Cùng với những vướng mắc về cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện trong giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đầu tư công, đầu tư theo đối tác công tư còn nhiều khó khăn; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, do đó, đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, dù việc tháo gỡ các vấn đề trên được kịp thời giải quyết, thì việc để chính sách, cơ chế đi vào thực tiễn; huy động và phát huy các nguồn lực là quá trình cần có nhiều thời gian cần thiết. Đồng thời cần xem xét tính toán, cân nhắc về quan điểm xác định thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 - 2023 với lộ trình thích hợp để phục hồi và kích thích nền kinh tế và đánh giá đầy đủ hơn về những tác động của chính sách theo Nghị quyết này trong tổng thể trong thời gian triển khai Chương trình và trong cả giai đoạn 2021-2025 để làm rõ khả năng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an ninh tài chính quốc gia và đặc biệt là khả năng hấp thục vốn, phát huy nguồn lực đầu tư./.

Nguyễn Hùng