ĐOÀN ĐBQH TỈNH THỪA THIÊN - HUẾ: TẬP TRUNG PHỤC HỒI KINH TẾ, THÍCH ỨNG AN TOÀN VỚI DỊCH BỆNH

04/01/2022

Tham gia thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chiều ngày 04/01, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng Chính phủ cần tập trung “hồi sức” cho các doanh nghiệp sớm trở lại trạng thái bình thường, khôi phục sản xuất kinh doanh.

 

Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia phiên thảo luận tổ chiều 04/01

Năm 2021, dù bị ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều khởi sắc. Cụ thể kinh tế tăng trưởng dương, đạt 4,36%, cao gấp đôi tốc độ trung bình của cả nước; lần đầu tiên thu ngân sách đạt gần 11.000 tỷ đồng, vượt 80% dự toán. Công tác an sinh xã hội cho người yếu thế được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3%.

Theo đại biểu Phạm Như Hiệp, để phục hồi kinh tế xã hội, tạo đà phát triển mạnh mẽ trong năm 2022 thì không có giải pháp nào ngoài việc thích ứng an toàn với dịch bệnh. Để đạt được mục tiêu này thì Chính phủ cần dành nguồn lực tương xứng cho lĩnh vực y tế vốn đã bộc lộ nhiều điểm yếu, thiếu sót nhất là ở tuyến cơ sở qua các làn sóng dịch Covid-19. “Khi mở cửa trạng thái thích ứng an toàn mà ngành y tế làm tốt, nguy cơ tử vọng, nhập viện, lây nhiễm chéo kiểm soát tốt thì loại trừ, thích ứng an toàn rất là lớn, góp phần ổn định xã hội. Thích ứng an toàn và điều trị chính giải pháp then chốt  giúp cho sự phát triển ổn định. Tôi ví dụ như năm 2020 chúng ta thực hiện Zero Covid rất là vất vả, trong giai đoạn đó thì chấp nhận được nhưng năm 2021 rất khó. Điều này đỏi hỏi chúng ta phải thích ứng an toàn, qua đó giải quyết các vấn đề liên quan GDP để phát triển xã hội bền vững”, đại biểu Phạm Như Hiệp nhấn mạnh.

Liên quan đến Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng cần có kịch bản cụ thể để ứng phó với nhiều tình huống phức tạp, kể cả xuất hiện tình trạng lạm phát tăng cao,  cần bổ sung đưa ra định hướng về khả năng thích ứng hấp thu nguồn lực trong 2 năm một cách rõ ràng hơn thì chúng ta chưa nói rõ. Bên cạnh đó, cần định hướng rủi ro dẫn đến lạm phát, bất ổn vĩ mô kinh tế để có cách ứng phó chủ động.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện tác động của gói hỗ trợ lần này đến với cộng đồng doanh nghiệp. Việc hỗ trợ cần có trọng điểm, đảm bảo doanh nghiệp dễ tiếp cận và nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất./.

Tiểu Bảo