THẢO LUẬN TẠI TỔ 14: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ TIẾP TỤC ĐẦU TƯ NGUỒN LỰC ĐỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH CÓ Ý NGHĨA XÃ HỘI, NHÂN VĂN
Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Hải Dương, Khánh Hòa.
Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 14 nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này.
Các đại biểu cũng đánh giá Dự thảo Luật cơ bản kế thừa các nội dung đã được điều chỉnh trong Luật hiện hành và phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo Luật liên quan nhiều đến quy định của pháp luật hiện hành, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định trong dự thảo Luật bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Phong tại phiên họp
Tại phiên thảo luận tổ, có ý kiến đại biểu chỉ ra rằng, tại khoản 2 Điều 6 quy định “chỉ giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho người có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này”. Đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa chặt chẽ và chưa có sự ràng buộc giữa người giao và người được giao vũ khí, vật liệu nổ vì người đứng đầu cơ quan, tổ chức doanh nghiệp được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có thể lợi dụng việc giao này chỉ cần đảm bảo đúng tiêu chuẩn tại khoản 1 Điều 7 mà không cần căn cứ vào việc người được giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình hay không. Việc giao này nếu không đúng đối tượng sẽ rất khó bảo đảm việc sử dụng đúng mục đích, đúng quy định. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 6 theo hướng chỉ được giao giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho người thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình và đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 7 của dự thảo Luật này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhất trí với việc sửa đổi Luật này để đảm bảo khắc phục được những bất cập trong thời gian qua. Tuy nhiên, đề nghị rà soát quy định về vấn đề dao là vật có tính sát thương cao. Việc quy định về dao như vậy cũng chưa thật sự chính xác. Có rất nhiều loại dao cũng dễ sử dụng, có tính sát thương cao.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu
Về đối tượng được sử dụng súng thể thao, đại biểu chỉ ra rằng, dự thảo Luật quy định toàn bộ lực lượng vũ trang được sử dụng loại súng này. Tuy nhiên, theo đại biểu, không phải đối tượng nào cũng được sử dụng. Sử dụng súng thể thao để phục vụ cho việc thi đấu thể thao trong nước, thi đấu thể thao quốc tế thì phù hợp, còn nếu là đối tượng khác thì sẽ không được sử dụng. Vì nếu không quy định chặt chẽ, rành mạch sẽ dẫn đến việc tùy tiện, lạm dụng sử dụng súng thể thao.
Liên quan vấn đề khai báo vũ khí thô sơ, đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ đối tượng nào được sử dụng và đối tượng nào không được sử dụng; cần khai báo những loại vũ khí có tính sát thương cao cho lực lượng công an xã quản lý. Việc quy định rõ ràng rành mạch sẽ đảm bảo phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sử dụng các loại vũ khí này; đồng thời bảo đảm linh hoạt và phù hợp với điều kiện phát triển của kinh tế - xã hội, điều kiện sản xuất, lao động, sinh hoạt của người dân.
Đại biểu Triệu Thế Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia ý kiến
Đưa ra ý kiến tại phiên họp tổ, đại biểu Triệu Thế Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cũng chỉ ra rằng đây là luật chuyên ngành nhưng đối tượng phải thực hiện thì rất rộng, do đó phải coi trọng phổ biến, giáo dục pháp luật. Chúng ta đã có quy trình xây dựng luật chặt chẽ, nhưng việc phổ biến, giáo dục, triển khai thực hiện luật cũng quan trọng không kém. Đối với công tác tuyên truyền, việc tích cực vận động người dân thực hiện luật này là rất cần thiết. Theo đó cần vận động người dân không tham gia vận chuyển, tàng trữ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; đề cao ý thức, trách nhiệm trong việc phát hiện, tố cáo những vi phạm về vấn đề này.
Cũng tại phiên họp tổ này, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Toàn cảnh phiên họp
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tại phiên họp
Các đại biểu tại phiên họp
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ